Làm thế nào để tránh ngộ độc khi có rò rỉ khí amoniac?

12/10/2017 09:06:00

Khi ngửi thấy mùi khai đặc trưng của khí amoniac, bạn dùng tay hoặc khăn ướt bịt mũi rồi tránh càng xa càng tốt.

Khi ngửi thấy mùi khai đặc trưng của khí amoniac, bạn dùng tay hoặc khăn ướt bịt mũi rồi tránh càng xa càng tốt.

Theo bác sĩ Đặng Quang Thuyết, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Quốc tế City, TP HCM, amoniac (NH3) là hóa chất tự nhiên dạng khí, không màu, có mùi khai nhẹ. Khi NH3 tiếp xúc với nước sẽ biến thành NH4OH tạo nên một chất ăn mòn. Đây là chất có hại cho người khi tiếp xúc với liều lượng cao và thời gian lâu. 

Bác sĩ Thuyết khuyến cáo người tiếp xúc với NH3 nồng độ thấp có thể bị dị ứng da, dị ứng tai mũi họng.  NH3 nồng độ cao khiến người và động vật bị phỏng da mặt, tổn thương niêm mạc, thậm chí bỏng đường hô hấp, suy hô hấp. Nặng hơn, nạn nhân tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tổ chức Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (OSHA) quy định giới hạn thời gian phơi nhiễm NH3 trong không khí tối đa 15 phút ở nồng độ thể tích 35 ppm, 8 giờ ở nồng độ 25 ppm. Tại Việt Nam, nồng độ NH3 cho phép tối đa là 0,2 mg/m3.

ky-nang-tranh-ngo-doc-khi-xay-ra-ro-ri-khi-amonic

Để tránh bị ngộ độc, bạn nên dùng khăn bịt mũi và chạy khỏi nơi rò rỉ khí càng xa càng tốt. Ảnh minh họa: istock.

Dấu hiệu bạn bị ngộ độc khí và nồng độ amoniac tương ứng trong không khí

Hiện tượng

Nồng độ (ppm)

Phát hiện có mùi

5

Dễ dàng phát hiện mùi

20 đến 50

Gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe khi tiếp xúc lâu

50 đến 100

Gây chảy nước mắt kể cả khi tiếp xúc trong thời gian ngắn

150 đến 200

Kích thích mắt, mũi, khó thở kể cả khi tiếp xúc trong thời gian ngắn

400 đến 700

Ho, co thắt cuống phổi

1.700

Nguy hiểm đến tính mạng kể cả tiếp xúc dưới 30 phút

2.000 đến 3.000

Phù, nghẹt thở, ngạt và nhanh chóng tử vong

5.000 đến 10.000

Chết lập tức

Trên 10.000

Để phòng tránh bị ngộ độc, bác sĩ Thuyết khuyên mọi người khi phát hiện hoặc nghi ngờ có rò khí amoniac (với mùi khai đặc trưng), nên nhanh chóng bịt mũi chạy khỏi hiện trường càng xa càng tốt, đến nơi có vùng không khí trong lành. Dùng khăn ướt, khẩu trang hoặc khăn tay nhúng nước bịt vào mũi sẽ hạn chế nguy cơ hít phải khí độc.

Nạn nhân bị ngộ độc amoniac có dấu hiệu thay đổi tri giác, khó thở, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Trường hợp nặng, nạn nhân ngất, ngưng tim, ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo tại chỗ, gọi 115 hoặc dịch vụ cấp cứu chuyên nghiệp, đồng thời nhờ nhân viên y tế trực tổng đài hướng dẫn sơ cấp cứu, sau đó nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngộ độc amoniac là tai nạn có thể gặp trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Xử trí không kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề về sức khỏe cho nạn nhân. Mới đây nhất là vụ rò rỉ ống dẫn khí NH3 ở TP HCM khiến nhiều người chảy máu và động vật chết la liệt.

Hướng dẫn sơ cứu ép tim lồng ngực cho người ngưng thở

Theo Trần Ngoan (VnExpress.net)

Nổi bật