Lái xe sau khi uống 2 lon bia, nguy cơ tai nạn giao thông gấp 40 lần

07/05/2019 14:13:09

Cứ 100 bệnh nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan rượu bia, đến 82 người có nồng độ cồn cao hơn 50 mg trong 100 ml máu.

Đây là nghiên cứu trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Kết quả này được bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, thông tin tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, ngày 6/5.

Theo nghiên cứu này, 82% bệnh nhân tử vong do bị tai nạn khi nồng độ cồn trong máu hơn 50mg/100 ml máu - giới hạn tối đa độ cồn trong máu. Hơn một nửa nạn nhân trong độ tuổi 15-29, hầu hết là nam giới.

"Đa số nạn nhân bị tai nạn nghiêm trọng, 68% trong số họ thời gian sống sau tai nạn chỉ chưa tới 30 phút", bà Trang cho biết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu bia làm chậm khoảng 10-30% tốc độ phản ứng, đồng thời hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, hạn chế khả năng nhận biết vật từ xa, tầm nhìn ban đêm giảm tới 25%. Người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50 mg/dl (tương đương với uống 2 lon bia 330 ml), nguy cơ bị tai nạn giao thông tăng gấp 40 lần so với người không uống.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia, bà Trang cho rằng cần có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ nhằm kiểm soát tình trạng lái xe uống rượu bia. Theo đó, cần thống nhất quy định nồng độ cồn đối với người lái ôtô và xe máy là 30 mg/dl. Hiện có 30 nước có quy định mức 30mg hoặc thấp hơn.

"Nên nghiên cứu hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao hơn 80 mg/dl, bắt buộc lao động công ích, phạt nặng hành vi tái phạm", bà Trang kiến nghị. Thái Lan từ khi ban hành các luật kiểm soát rượu, bia đã giảm 50% số tai nạn giao thông, tiết kiệm hơn 6 tỷ USD chi phí khắc phục hậu quả.

Lái xe sau khi uống 2 lon bia, nguy cơ tai nạn giao thông gấp 40 lần
Rượu bia làm gia tăng số vụ tai nạn giao thông.

Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, Nguyễn Huy Quang cho rằng hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Đến nay, mới có Nghị định số 105 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244 năm 2014 về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đang được hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần hai trong kỳ họp lần thứ 7 dự kiến vào tháng 5. Tuy nhiên, hiện nay dự thảo luật vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều. 

Theo ông Quang, các điều luật hiện đã "yếu" đi rất nhiều so với trước đó. Ví dụ như không cấm quảng cáo khuyến mãi đối với bia trên 15 độ như đề xuất ban đầu; cũng không có quy định kiểm soát đối với khuyến mãi rượu bia dưới 15 độ, đặc biệt là các hoạt động khuyến mãi trực tiếp đến người tiêu dùng. Trong khi đó, hiện 89 quốc gia có quy định kiểm soát, trong đó 28 quốc gia cấm toàn bộ quảng cáo trên Internet và mạng xã hội áp dụng với cả bia, rượu vang và rượu mạnh như Na Uy, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Lào...

Bộ Y tế cho rằng phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý với những quy định đủ mạnh để kiểm soát tác hại do sử dụng rượu bia gây ra. Đặc biệt là 3 biện pháp hiệu quả nhất mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Đó là kiểm soát sự sẵn có của rượu bia; kiểm soát quảng cáo rượu bia và chính sách thuế và giá.

"Nếu không quy định hoàn chỉnh các biện pháp theo khuyến cáo của WHO thì khó đạt được mục tiêu của Luật", ông Quang nói.

Ngày 3/5 lãnh đạo Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Quốc hội đề nghị giữ lại 2 nội dung kiểm soát quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia. Cụ thể, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án quy định về thời gian bán rượu, bia.

Phương án một, chỉ được bán từ 11-14h và từ 17-22h hàng ngày. Phương án 2 chỉ được bán từ 6-22h (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch). Với phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia.

Quốc hội đề nghị thay đổi tên từ Luật Phòng, chống tác hại rượu bia sang Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế cho rằng tên này quá dài. Ngoài ra, tác hại của rượu bia không chỉ tác động đến sức khỏe mà thực tế còn liên quan đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục...

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị giữ lại tên Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.

Theo Lê Nga (VnExpress.net)