Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông báo tăng lãi suất huy động ở mức 0,3-0,8%/năm từ đầu tháng 8. Theo đó, lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn từ 6-9 tháng tăng thêm 0,8%/năm, ở mức 5,6%/năm. Nếu khách gửi online trên 500 triệu ở kỳ hạn 12 tháng có thể hưởng lãi suất cao nhất tới 6,2%/năm.
VPBank cũng vừa tiến hành tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,4%/năm, ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn từ 6-11 tháng tăng 0,4%/năm so với đầu tháng trước, dao động từ 5,2-6,2%/năm; ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động tăng nhẹ 0,1%/năm lên cao nhất là 6,5%/năm. Với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất có thể được hưởng là 6,7%/năm nhưng kèm điều kiện là số tiền gửi trên 50 tỷ và gửi ít nhất 36 tháng.
Cùng xu hướng, Vietcombank mới điều chỉnh lãi suất ở kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,1 điểm %, từ 3,3%/năm lên 3,4%/năm; các kỳ hạn từ 24 tháng - 60 tháng tăng 0,1 - 0,2%, lên 5,4%. Với khách hàng gửi tiết kiệm online, Vietcombank tăng thêm 0,2%/năm ở tất cả kỳ hạn phổ biến.
Ngân hàng SHB mới điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng, lên mức 7,4%/năm, tăng 0,2% so với trước đó.
Tương tự, Techcombank tiến hành tăng lãi suất tiết kiệm ở hầu hết kỳ hạn, với mức tăng từ 0,1-0,5%; trong đó kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh tăng tới 0,5%, lên mức 5,25%.
MBBank cũng vừa tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn với mức tăng từ 0,18-0,43%; trong đó kỳ hạn 6 tháng tăng tới 0,43%, lên mức 4,87%/năm.
Kienlongbank cũng điều chỉnh lãi suất tăng 0,2-0,6%/năm ở nhiều kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 1 tháng gửi tại quầy tăng đến 0,6%/năm.
ABBank cũng tiến hành tăng lãi suất huy động ở mức 0,5% cho một số kỳ hạn. Trong khi đó, Sacombank tăng lãi suất huy động thêm 0,65%/năm cho tiền gửi 9 tháng tại quầy và online.
Như vậy, so với tháng trước, lãi suất huy động ở tháng 8 này tiếp tục có xu hướng tăng lên. Các chuyên gia dự báo, với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng lên trong những tháng cuối năm 2022.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)