Người phụ nữ 41 tuổi không rõ thông tin, gần đây đã đi khám mắt định kỳ bởi thị lực dần trở nên tồi tệ hơn trong nhiều năm qua. Khi kiểm tra, bác sĩ bất ngờ khi phát hiện ra những vết mổ kỳ quặc trong nhãn cầu của cô, có những vết cắt mờ nhạt trông giống như nan hoa trên bánh xe đạp, hoặc một chiếc bánh pizza được cắt lát thành nhiều miếng - những đường cắt được sắp xếp để tạo thành một mô hình xuyên tâm.
Sau khi tìm hiểu, các chuyên gia phát hiện đây là kết quả của một cuộc phẫu thuật mắt đã lỗi thời mà bệnh nhân thực hiện nhiều năm trước để chữa cận thị.
Những vết mổ này là dấu hiệu đặc trưng của một loại phẫu thuật mắt được gọi là cắt giác mạc tỏa tròn - một thủ thuật làm thay đổi hình dạng của giác mạc, khiến ánh sáng thay đổi hướng đi để khắc phục tật cận thị, phổ biến trong những năm 1980 và 1990 trước khi phương pháp phẫu thuật mắt bằng laser phát triển.
Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy rủi ro nhiễm trùng và thủng giác mạc với loại hình phẫu thuật này là rất cao. Rất nhiều người trước phẫu thuật thì cận thị, sau phẫu thuật chuyển thành viễn thị, buộc họ phải đổi sang một loại kính mới.
Ngoài ra, các vết mổ chồng chéo hoặc những vết rạch quá gần trung tâm mắt có thể làm giảm độ sắc nét của thị lực và sẹo trên giác mạc có thể dẫn đến bệnh nhân nhìn thấy ánh sáng chói và quầng sáng quanh các vật thể.
Người phụ nữ trong trường hợp này cũng không ngoại lệ, hiện tại thị lực của cô giảm dần kể từ khi thực hiện phẫu thuật lúc trẻ, khiến chứng viễn thị ngày càng nặng hơn. Khi khám nghiệm kỹ, bác sĩ bất ngờ nhận ra những đường vạch kỳ lạ bên dưới võng mạc và đưa ra kết luận rằng chính chúng đã khiến thị lực của cô suy giảm. Bác sĩ đã kê thuốc và cắt kính cho người phụ nữ để bảo vệ mắt. Sáu tháng sau, tật viễn thị của cô đã không có dấu hiệu tăng thêm.
Phẫu thuật cắt giác mạc tỏa tròn là gì?
Phương pháp này được sáng tạo bởi bác sĩ nhãn khoa người Nga tên Svyatoslav Fyodorov. Phương pháp được bắt nguồn từ khi bác sĩ Fyodorov khám cho một bé trai bị mảnh kính găm vào mắt, gây xước giác mạc.
Sau khi gắp mảnh kính ra, mắt của cậu bé không những được lành lặn, mà còn xảy ra một hiện tượng đáng kinh ngạc: tầm nhìn và thị lực được cải thiện rất nhiều, nhờ khúc xạ ánh sáng trong mắt thay đổi. Từ đó, Fyodorov nảy ra ý tưởng mô phỏng theo những vết xước ông nhìn thấy trong mắt cậu bé để tạo ra phương pháp chữa cận thị mới.
Sau đó, phương pháp của ông trở nên cực kỳ phổ biến, giúp cho hàng triệu người không cần phải đeo kính nữa. Tuy nhiên theo chúng ta đã thấy, phương pháp này tiềm ẩn rất nhiều biến chứng.
Theo An An (VietNamNet)