Theo đó, trong thí nghiệm động vật, một số con chuột đã được áp dụng chế độ ăn cắt giảm calo nghiêm ngặt, cộng với chạy bộ thường xuyên trong vòng 6 tuần. Kết quả, khối lượng xương của chúng giảm ngay… 20%!
Điều này gây bất ngờ, bởi hầu hết chúng ta tin rằng tập thể dục làm xương chắc khỏe. Nhưng dường như thể dục đã tác dụng ngược khi một người ăn uống quá kém.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một phụ nữ 30 tuổi, vóc người trung bình, mức vận động vừa phải cần ăn khoảng 2.000 calo/ngày để đủ năng lượng cho các hoạt động cơ thể. Nếu cắt giảm khoảng 30% calo, tức ăn chỉ 1.400 calo, người phụ nữ đó có thể giảm cân với tốc độ được cho là khỏe mạnh, khoảng 0,4 kg/tuần.
Tuy nhiên vì mong muốn giảm béo nhanh hơn thế, nhiều người đã chọn chế độ ăn nghiêm ngặt hơn và còn kết hợp nó với tập luyện thể thao tích cực nên gây tác dụng ngược.
Với nam giới, mức calo khuyến nghị là 2.500. Người trẻ tuổi và tập thể dục tích cực cần nhiều calo hơn vì họ đốt cháy nhiều năng lượng hơn.
Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh các chế độ ăn kiêng hạn chế calo ngày càng tăng, ví dụ như chế độ ăn keto 5:2 hay kiểu ăn theo giờ 16:8. Nhiều người vì muốn giảm cân thậm chí chỉ nạp vài trăm calo/ngày.
Các nhà khoa học khẳng định việc mất xương này là do thiếu calo chứ không phải thiếu chất. Ngoài ra, họ còn nhận thấy sự gia tăng chất béo tủy xương khi hạn chế calo, cho dù giảm cân. Chất béo tủy xương được cho là làm cho xương người và động vật yếu hơn. Tác động này đặc biệt nghiêm trọng ở phụ nữ bởi do đặc tính giới, phụ nữ dễ loãng xương theo tuổi tác hơn nam giới.
Vì vậy, lời khuyên chung là việc ăn kiêng không nên quá gắt gao, phải bảo đảm mức năng lượng hợp lý cho cơ thể. Việc giảm cân từ từ, khỏe mạnh vẫn luôn tốt hơn giảm cân thần tốc.
Theo A.Thư (Nld.com.vn)