Kiếm triệu đô từ chiêu thức thao túng tâm lý ‘người nhà gặp nạn’

08/03/2023 06:15:00

Giả danh là con, cháu trong gia đình, luật sư, nhân viên y tế, kẻ lừa đảo thao túng tâm lý nạn nhân, thúc giục chuyển tiền gấp.

- Bà ạ? 

- Ai gọi đấy?

- Cháu đây, bà không nhận ra cháu sao? Có thể cháu bị dập mũi nên giọng khác. Cháu mới bị tai nạn do lái xe khi say. Cháu đang ở bệnh viện, cần tiền để trả viện phí. Họ không cho cháu đi nếu không nộp tiền. 

- Trời ơi, cháu có sao không? 

- Cháu bị đập đầu, bà đừng nói với bố mẹ. Cháu hứa sẽ trả lại tiền cho bà khi về nhà, hóa đơn là 4.000 USD. Bà có thể chuyển khoản cho cháu được không?

Nội dung trên là một trong hàng trăm, có lẽ hàng nghìn cuộc điện thoại mỗi ngày của những kẻ đang cố gắng lừa tiền từ những người Mỹ lớn tuổi. 

Không chỉ giả dạng người thân của nạn nhân, hội lừa đảo còn tự nhận là nhân viên y tế, luật sư liên tục thao túng tâm lý của người nghe điện. Công việc này giống như đi câu. Những kẻ tội phạm không kiếm được tiền từ tất cả nhưng vẫn câu được 1-2 "con cá" mỗi ngày. 

Từ năm 2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo về tình trạng gạt tiền trên trên website chính thức. Thực tế, Trung tâm Khiếu nại của FBI đã nhận được các tố giác từ năm 2008. Trò lừa đảo được gọi tên là “Cạm bẫy lừa ông bà” bởi đa số tội phạm nhắm vào người cao tuổi, lợi dụng tình cảm của họ với cháu. 

Nhờ có Internet và các trang mạng xã hội, tội phạm ngày càng tinh vi hơn nhờ thu thập được các thông tin cá nhân ví dụ nơi một người đang có mặt, tên người thân, bạn bè… hay giả giọng nói. 

Kiếm triệu đô từ chiêu thức thao túng tâm lý ‘người nhà gặp nạn’
Bà Jean, 73 tuổi, nhận cuộc gọi báo chuyển 8.000 USD cho cháu trai gặp nạn khi lái xe. Nhưng bà đã không rơi vào bẫy do các cháu của bà còn nhỏ. Sau đó, bà đã báo cảnh sát bắt được kẻ tội phạm. Ảnh: CBS

Theo Trung tâm chống Lừa đảo Canada (CAFC), trong năm 2021, nhiều người dân Canada đã rơi vào cạm bẫy trên, tổng số tiền bị lừa gạt lên tới 1,7 triệu USD. Theo CTV News Toronto, số tiền này tăng gần gấp đôi lên 3 triệu USD vào năm 2022. 

Chiêu thức lừa đảo 

Tội phạm thường nhắm vào những người lớn tuổi như ông bà, cô dì, chú bác, bố mẹ. Các trò gian lận diễn ra với nhiều chi tiết khác nhau nhưng vẫn có quy trình chung: 

Ai đó gửi email, gọi điện hoặc nhắn tin tự nhận là con (cháu) trong gia đình. Chúng có thể sử dụng công nghệ để bắt chước giọng nói, cuộc gọi hiển thị tên của người bị giả mạo. Chúng có thể phàn nàn đang bị cảm, dập mũi nên giọng thay đổi. 

Một số trường hợp tự nhận là nhân viên y tế, luật sư, cảnh sát. 

Trong mọi trường hợp, kẻ lừa đảo thông báo đang phải cấp cứu, gặp rắc rối với pháp luật và cần tiền ngay lập tức. Nếu đóng giả là nhân viên y tế, chúng nói rằng bệnh viện cần một khoản thanh toán trước cho một thủ tục khẩn cấp.

Cạm bẫy trên thường thành công vì đánh vào cảm xúc của con người như tình yêu thương và sự sợ hãi. Người lớn tuổi không muốn bất cứ điều gì xảy ra với người thân của họ và thường sẵn sàng làm mọi việc để đảm bảo thành viên trong gia đình được an toàn. Tội phạm cũng tạo ra sự cấp bách, cố gắng giao tiếp theo cách khiến người lớn tuổi sợ hãi, bối rối, không thể bình tĩnh xem xét vấn đề trước mắt.

Kiếm triệu đô từ chiêu thức thao túng tâm lý ‘người nhà gặp nạn’ - 1
Quá lo lắng cho con, cháu khiến nhiều người mất cảnh giác, chuyển khoản tiền lớn cho kẻ lừa đảo. Ảnh minh họa: ABC4

Phòng tránh 

Tránh hành động ngay lập tức nếu bạn nhận được cuộc gọi như trên. Hãy liên hệ với người thân thông qua các phương thức liên hệ đáng tin cậy. Gọi cho họ qua số điện thoại di động quen thuộc, điện thoại nhà riêng hoặc nơi làm việc. Ghé thăm nhà của họ nếu bạn có thể. 

Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ phát hiện ra người thân không gọi điện và vẫn an toàn. 

Khả năng hiếm hoi khi người thân thực sự cần tiền, bạn có thể lấy thông tin chi tiết, nói chuyện một cách bình tĩnh về tình hình và những gì bạn có thể hoặc không thể làm.

Ở đa số các tình huống, bao gồm cả pháp lý và y tế, không ai cần tiền ngay lập tức. 

Theo An Yên (VietNamNet)