Khi nhắc tới bệnh gút, mọi người thường nghĩ tới nguyên nhân là do uống bia và ăn hải sản nhiều. Tuy nhiên, có một loại thực phẩm phổ biến khác cũng là nguyên nhân gây bệnh, thứ này được người trẻ rất thích, hầu như gia đình nào cũng có nhưng lại bị bỏ qua.
Gần đây, Bệnh viện trực thuộc thứ 2 của Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc ở tỉnh Chiết Giang vừa tiếp nhận một bệnh nhân mắc bệnh gút bất thường, đó là một thiếu niên mới 16 tuổi.
Được biết, cậu thiếu niên này tên Tiểu Lôi, vẫn đang học cấp 3, ngày thường không thích ăn hải sản hay uống rượu. Thế nhưng, cậu có một thói quen là thích uống nước ngọt khi khát.
Mọi người trong gia đình cũng thoải mái cho Tiểu Lôi uống. Cậu cũng thường xuyên mua nước bên ngoài uống. Dần dần, cậu bắt đầu thay thế nước lọc bằng nước ngọt hoặc các loại nước ép trái cây đóng hộp, mỗi ngày uống vài cốc.
Thời gian đầu, mọi chuyện diễn ra bình thường, bỗng một ngày vào nửa đêm, Tiểu Lôi đột nhiên bị đau ở ngón cái bàn chân trái, sưng đỏ, khiến cậu không thể ngủ được vì đau.
Hôm sau, gia đình đưa cậu tới bệnh viện khám, bác sĩ phát hiện chỉ số axit uric của cậu cao hơn 600 μmol/L (cao hơn nhiều so với mức bình thường 149 ~ 416 μmol/L), ngón cái tay trái có nhiều tinh thể urat, được chẩn đoán bị bệnh gút.
Bác sĩ Lý Tiểu Bằng của khoa Thấp khớp và Miễn dịch học của Bệnh viện số 2 thuộc Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Chiết Giang cho biết: “Bệnh nhân bị gút là do uống các loại nước ép trái cây đóng hộp yêu thích hằng ngày”.
Tại sao uống nước ép trái cây đóng hộp gây ra bệnh gút?
- Nước ép trái cây đóng hộp chứa nhiều đường
Bản thân trái cây tươi đã chứa hàm lượng đường cao, một khi ép thành nước, một lượng lớn chất xơ sẽ bị bỏ dưới dạng bã, đồng thời đường trong đó sẽ được giải phóng hoàn toàn. Ngoài ra, các chất phụ gia được thêm vào trong quá trình chế biến khiến cho lượng đường trong nước trái cây đóng hộp cao hơn so với ăn trái cây tươi.
- Đường fructose ảnh hưởng đến nồng độ axit uric trong máu
Tác dụng của đường fructose đối với nồng độ axit uric trong máu chủ yếu đến từ 2 yếu tố, đó là có thể làm tăng axit uric trong máu và làm giảm bài tiết axit uric.
Quá trình chuyển hóa fructose trong cơ thể cần có sự tham gia của purine. Vì vậy, lượng fructose được chuyển hóa càng nhiều thì hàm lượng purine được tạo ra trong cơ thể càng cao. Sản phẩm chuyển hóa purine là axit uric.
Mặt khác, nếu lượng đường fructose quá cao, quá trình bài tiết axit uric của thận cũng sẽ bị ức chế,
2 nguyên nhân này kết hợp với nhau sẽ dẫn đến tăng axit uric trong máu và gây ra bệnh gút.
Những loại thực phẩm ăn nhiều có thể gây bệnh gút
Trước hết, tăng axit uric máu chắc chắn không phải do ăn quá nhiều đường fructose đơn thuần mà còn có liên quan tới đường sucrose.
Vì đường fructose và các loại đường bổ sung khác có hại cho sức khỏe con người, nên vào “Ngày béo phì thế giới” năm 2016, WHO đã đưa ra khuyến cáo trẻ em và người lớn không nên tiêu thụ quá 10% tổng lượng calo của họ ở dạng đường hằng ngày.
Theo cuốn "Hướng dẫn chế độ ăn uống cho cư dân Trung Quốc năm 2016", các chuyên gia khuyến nghị lượng đường bổ sung hằng ngày không được vượt quá 50g, tốt nhất là dưới 25g.
Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng trên thực tế nhiều loại đồ uống và bánh ngọt ẩn chứa rất nhiều đường.
Ví dụ, một chai soda chứa khoảng 10 thìa cà phê đường, nhiều hơn nhiều so với lượng khuyến cáo.
- 1 lon cola 330ml chứa khoảng 35g đường
- 1 chai nước ép trái cây 430ml chứa khoảng 45g đường
- 1 ly trà sữa 500ml chứa khoảng 50g đường
- 1 gói snack khoảng 30 gram đường
- 100 gam bột mì trắng chứa khoảng 10-20 gam đường
Làm thế nào để kiểm soát hiệu quả bệnh gút?
Bác sĩ trưởng Huỳnh Kiến Lâm, trưởng khoa Nội và Thấp khớp – Miễn dịch học tại Bệnh viện Liên kết thứ 6 của Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc cho biết: “Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng, có thể giảm axit uric bằng cách ăn ít thực phẩm chứa purin, hạn chế lẩu và hải sản. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, ý tưởng này tuy hay nhưng thực tế lại không hiệu quả cao”.
Trong cuốn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh gút của Trung Quốc năm 2016" đã đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống của người bệnh gút là hạn chế uống rượu, giảm ăn thực phẩm giàu purin, giảm ăn đường fructose, tăng ăn rau tươi.
Thực phẩm động vật có hàm lượng purine cao như thịt bò, thịt cừu, thịt heo… Thực phẩm chứa nhiều đường fructose và sucrose. Các loại đồ uống có cồn, đặc biệt là bia và rượu. Tất cả những thực phẩm này đều cần hạn chế, nếu tránh được thì càng tốt.
Uống 300ml sữa tách kem hoặc ít béo và các chế phẩm từ sữa mỗi ngày. Trứng mỗi ngày 1 quả, 500g rau tươi trở nên. Uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít mỗi ngày.
Bác sĩ Huỳnh chỉ ra rằng, nói một cách đơn giản, ngoại trừ khoảng 2 lạng thịt và 1 quả trứng mỗi ngày, hầu hết thức ăn nên là rau và ngũ cốc. Lượng hoa quả mỗi ngày khoảng 200g-350g, tốt nhất không nên chọn nước ép trái cây đóng hộp. Tránh ăn quá nhiều, nghiện rượu, mệt mỏi quá độ, tinh thần căng thẳng.
Theo Phương Hằng (Tri Thức & Cuộc Sống)