Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hôm nay là ngày thứ 14 mà hai bệnh nhân là anh em ruột nhập viện. Các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc botulinum.
Người em (18 tuổi) nhập viện trong tình trạng nặng, liệt cơ tứ chi, sức cơ 1/5. Đến nay, bệnh nhân này chưa có dấu hiệu cải thiện và hồi phục.
Người anh (26 tuổi) nhập viện trong tình trạng nhẹ hơn. Tuy nhiên, diễn tiến người bệnh xấu dần, liệt cơ tăng dần, sức cơ tứ chi hiện chỉ đạt 2/5 - 3/5.
Hai trường hợp ngộ độc botulinum này vẫn nằm ở phòng hồi sức tích cực của Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp điều trị tích cực, ngăn chặn diễn tiến xấu hơn của bệnh.
"Đến hiện tại, chúng tôi cũng không nói trước được những diễn tiến sau đó có khả năng xảy ra với 2 bệnh nhân", bác sĩ Khánh chia sẻ. Mặc dù thuốc giải độc tố botulinum đã về đến TP.HCM, hai ca này vẫn không có chỉ định truyền BAT vì quá thời gian thuốc trung hòa độc tố trong máu.
Trong khi đó, hai bệnh nhi ngộ độc botulinum điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn đang thở máy thông số thấp. Em N.V.Đ (13 tuổi) vẫn sụp mi, sức cơ tứ chi chưa cải thiện, chưa tự thở, liệt ruột. Còn em N.T.X. (10 tuổi) tự thở yếu, sức cơ yếu
Qua hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 quyết định không chỉ định dùng thêm thuốc giải độc BAT cho 2 bé. Các em tiếp tục được điều trị nâng đỡ bằng thở máy, dinh dưỡng, chống nhiễm trùng.
Trước đó, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết kết quả xét nghiệm 15 mẫu bánh mì, chả lụa liên quan đến các chùm ca ngộ độc botulinum đã cho kết quả âm tính. Đến nay, nguyên nhân gây ngộ độc botulinum ở 5/6 ca bệnh vẫn chưa được xác định.
Riêng với người bệnh 45 tuổi (đã tử vong), mẫu phân của bệnh nhân cho thấy có độc tố botulinum type A. Trước nhập viện, ông đã ăn một loại mắm để lâu ngày.
Theo Linh Giao (VietNamNet)