Với hôn nhân, vị trí của người chồng nên được đặt lên cao nhất. Đừng vì vài người, vài vấn đề liên quan mà ảnh hưởng đến quyết định của mình. Hôn nhân không phát triển trên nền tảng tình yêu, có sự gượng ép thì chẳng bao giờ được hạnh phúc.
01
Hạnh cưới Long chỉ sau chưa đầy nửa năm quen biết. Dù Long là một người đàn ông gần 40 tuổi, có một đời vợ thì đối với Hạnh nó cũng chẳng phải là vấn đề.
Mẹ Long quen biết với bố mẹ Hạnh. Đó cũng là cầu nối để cô gái trẻ quen được Long. Hạnh còn trẻ, xinh đẹp nhưng rất thích ăn tiêu. Vậy nhưng gia đình cô lại không lấy gì làm khá giả. Bởi thế, lúc nào Hạnh cũng có mục tiêu cưới được chồng giàu.
“Tao chỉ cần lấy chồng giàu thôi, tháng nào hắn ta cũng vứt cho trăm triệu chi tiêu thì cuộc sống vợ chồng có không hạnh phúc cũng được”, Hạnh thường nói với bạn bè như thế.
Và cũng chính vì lí do này nên khi mẹ Long có ý giới thiệu anh cho cô, Hạnh đã đồng ý ngay. Nhìn vào mẹ Long sang chảnh, có tiền, tiêu xài không phải nghĩ, Hạnh cho rằng chuyện Long có một đời vợ, vì ngoại tình nên vợ bỏ đi cũng đâu phải vấn đề.
Hai bên gặp nhau nhanh chóng rồi lao vào tình yêu. Hạnh trẻ tuổi, xinh xắn, nói chuyện cũng có chút thú vị. Long thì sành sỏi và có tiền, chỉ chừng đó thôi cùng đủ cặp đôi quấn quýt trong sự lo ngại của bố mẹ Hạnh.
Phụ nữ nên tỉnh táo trong cách nhìn nhận đàn ông. Đừng bao giờ vì những điều hào nhoáng bên ngoài mà đánh mất mình để rồi hối hận không kịp.
02
Bố mẹ Hạnh biết chuyện con gái và Long là một đôi đã hết sức ngăn cản. Họ không thấy tin tưởng vào Long và sợ con gái mình không hạnh phúc. Thậm chí, mẹ cô còn nói chuyện với mẹ Long, dùng cái gọi là tình bạn để thắng thắn muốn ngăn cấm mối quan hệ này. Tuy nhiên, mẹ Long luôn bênh vực con trai.
Mặt khác, bà ra sức săn đón và ngày ngày gọi Hạnh qua nhà chơi, săn sóc cô chút một. Nói một cách thẳng thắn, mẹ Long tốt với Hạnh, chi tiền không tiếc tay và mong cả hai sớm cưới bởi bà cũng chưa có cháu nội. Long từng lấy vợ song cô con dâu cũ không chịu sinh đẻ sau khi nhìn thấy những vấn đề từ chồng mình.
Sau một thời gian yêu nhau, Hạnh cũng thấy Long “hơi có vấn đề”. Một vài lần Hạnh bắt gặp Long nhắn tin cùng gái lạ, thậm chí có lần cáu một chuyện gì đó mà suýt đánh Hạnh, kèm theo những lời chửi bới. Nhiều thói quen của Long cũng không hề lành mạnh.
Tuy nhiên, Hạnh bỏ qua tất cả. Cô cho rằng sau này cưới nhau xong mình quản được lương Long, được bố mẹ chồng yêu thương, tốt đẹp như vậy thì vài vấn đề của chồng cũng chẳng phải điều gì to tát.
Họ vẫn cưới nhau trong sự lo ngại của bố mẹ Hạnh. Hạnh bước vào cuộc hôn nhân này vì nhìn thấy bố mẹ chồng tốt, điều kiện nhà chồng tốt hơn là thấy Long thật sự tốt với mình.
Sau khi kết hôn, Long dần chẳng tìm thấy sự mới mẻ từ Hạnh nữa, cả hai bắt đầu có những xích mích. Và rồi Hạnh phát hiện Long có người khác. Những dòng tin nhắn trong điện thoại “bóc mẽ” Long chứng nào tật đấy. Thậm chí, cô phát hiện ra rằng trước ngày cưới, Long và bạn bè đã có một buổi thác loạn với “gái làng chơi”, ảnh chụp, clip bị lộ tẩy.
Hạnh làm ầm ĩ lên, Long cho rằng cô quá phận, dám sờ vào điện thoại anh. Hạnh ly hôn trong đau đớn. Trước ngày ra tòa, mẹ chồng áy náy gửi cho Hạnh 50 triệu “cho” cô gọi là đền bù thanh xuân. Thế nhưng bây giờ, cầm tiền đó để làm gì nữa đâu. Hạnh đau đớn vì sự trẻ người non dạ, chỉ nhìn vào bố mẹ chồng để kết hôn và cái kết bẽ bàng.
Sự qua loa trong việc lựa chọn đối tượng kết hôn để lại những hậu quả không lường trước được. Nhận thấy nguy cơ nhưng vẫn đâm đầu vào là một lỗi lớn khiến phụ nữ thật khó quay đầu.
03
Nhiều người luôn suy xét đủ điều trước khi lên xe hoa. Nhìn nhận về gia đình chồng tương lai, bố mẹ chồng tương lai, điều kiện kinh tế của họ mà quên mắt rằng đối tượng phải suy xét kỹ càng, tỉ mỉ nhất chính là chồng của mình.
Nhiều cô gái đặt nặng chuyện vật chất hơn tình ái. Nhìn từ đồng tiền để suy xét chuyện cưới xin. Cuối cùng mới vỡ lẽ ra rằng người làm ra của nhưng của không thể quyết định được con người.
Đây cũng là một bài học lớn cho tất cả phụ nữ khi đến tuổi kết hôn. Họ nên nhìn vào chồng mình - đối tượng tương lai chung sống cùng chứ đừng nhìn vào bố mẹ chồng, gia đình chồng và coi đấy là điều kiện tiên quyết.
Chính người chồng mới có thể quyết được tương lai hôn nhân của mình ra sao. Bố mẹ chồng hay điều kiện của gia đình chồng chỉ là một phần bổ trợ xung quanh.
Hôn nhân nên được xây dựng từ nền tảng tình yêu, sự thấu hiểu và tin tưởng vào đối phương. Bất cứ vấn đề gì làm nên sự lăn tăn, phụ nữ cũng phải suy nghĩ thật kỹ. Nếu như cảm thấy không thật sự sẵn sàng với mối quan hệ, chưa yên tâm về người mình chọn làm chồng thì dừng lại đã. Phụ nữ đừng dại dột mà đẩy cuộc đời mình vào thế không còn con đường nào khác vì lựa chọn sai lầm.
Theo Ca Ca (Nhịp Sống Việt)