Ngày 1/11, đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ nặng.
Điển hình là người bệnh T.T.K.H, 69 tuổi, ngụ tại Đồng Nai. Cách đây gần 5 tháng, bà H. thường xuyên thấy đau ngực, mệt khi gắng sức, khó thở về đêm.
Sau đó, bà H. đến khám tại BV ĐHYD. Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện siêu âm tim và chẩn đoán bà H. bị hẹp van động mạch chủ nặng kèm bệnh tăng huyết áp, suy tim. Các bác sĩ đánh giá nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị biến chứng cao.
Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội tim mạch điều trị nội khoa ổn định suy tim và chuẩn bị xét nghiệm tiền phẫu. Đến cuối tháng 7/2019, các bác sĩ tiến hành thủ thuật thay van động mạch chủ qua da cho người bệnh.
Sau đó, người bệnh được theo dõi tại khoa Hồi sức cấp cứu và xuất viện sau 5 ngày can thiệp với đánh giá van tim mới hoạt động tốt.
Một trường hợp khác là của người bệnh tên T.V.X., 66 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương. Cách đây 1 năm, ông X. thấy khó thở và đau ngực khi gắng sức leo cầu thang hoặc đi lại nhiều, cũng như thường thức dậy nhiều lần vì khó thở.
Sau khi thăm khám, ghi nhận trên siêu âm cho thấy chú X. bị hẹp van động mạch chủ nặng, suy giảm chức năng tâm trương thất trái nặng, suy tim giai đoạn 3.
Chú X. còn có nhiều bệnh lý đi kèm như đái tháo đường type 2, bệnh thận mạn giai đoạn 5, suy van tĩnh mạch chi dưới, tăng huyết áp…
Êkip điều trị đã tiến hành thủ thuật thay van động mạch chủ qua da cho người bệnh. Kết quả siêu âm tim tốt, van tim hoạt động bình thường, người bệnh phục hồi nhanh và được xuất viện sau 4 ngày theo dõi.
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch của BV ĐHYD, hẹp van động mạch chủ là bệnh phổ biến nhất về van tim, thường gặp ở người trên 60 tuổi và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim và nhiều biến chứng nặng nề khác có thể dẫn đến tử vong.
Ở những người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng thì tỉ lệ tử vong trong vòng 1 năm lên đến khoảng 20-30%.
Nghĩa là cứ 10 người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng thì có 2-3 trường hợp có thể xảy ra những tai biến, biến chứng nặng. Sau 2 năm, tỉ lệ tử vong do hẹp van động mạch chủ là 50%.
Bệnh hẹp van động mạch chủ thường không có triệu chứng cụ thể ở giai đoạn đầu. Do đó, khi người bệnh có triệu chứng đồng nghĩa với việc bệnh đã tiến triển nặng và cần phải can thiệp hoặc phẫu thuật thay van.
Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm: đau tức ngực, khó thở, mệt khi gắng sức, khó thở khi ngủ, ngất xỉu… Chúng chỉ xuất hiện khi bệnh đã trở nặng, vì vậy đa số các trường hợp người bệnh đến khám khi đã ở giai đoạn trễ, nguy cơ xảy ra các biến chứng rất cao, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo các triệu chứng của bệnh hẹp van động mạch chủ thường không rõ ràng, vì vậy dễ sinh tâm lý chủ quan, người dân không chủ động tầm soát để phát hiện bệnh.
Điều này rất nguy hiểm vì khi bệnh diễn tiến nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng. Vì vậy đối tượng của bệnh là người trên 60 tuổi nên khám tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm.
Ngày 31/10-2/11/2019, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề "Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay".
Đây là diễn đàn khoa học uy tín, được tổ chức thường niên dành cho các Bác sĩ chuyên khoa nhằm công bố kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật, chia sẻ kiến thức mới và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, các phương pháp tiên tiến trong thực hành hàng ngày, từ đó nâng cao hiệu quả trong việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
Theo Hoàng Lê (Helino)