Nhiều người thường hạ sốt bằng cách chườm khăn lạnh nhưng cách làm đúng lại là chườm bằng khăn ấm. Chườm khăn ấm khi bị sốt là một trong những phương pháp hạ sốt dựa trên nguyên lý tác động từ bên ngoài làm giảm dần nhiệt độ cơ thể.
Theo TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng khoa ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội), rất nhiều người băn khoăn khi sốt cao nên chườm lạnh hay chườm ấm? Trước hết, chúng ta cần biết sự khác nhau giữa chườm ấm và chườm lạnh.
Chườm lạnh: Phương pháp này sẽ làm co các mạch máu ngoại vi, dẫn đến giảm lưu thông máu, co các các lỗ chân lông, từ đó giảm thoát nhiệt khỏi cơ thể. Ngoài ra, nếu bạn lấy nước đá cho vào khăn khô chườm lên người, có thể gây bỏng lạnh.
Chườm ấm: Có tác dụng làm lỗ chân lông trên cơ thể giãn nở, giãn các mạch máu ngoại vi, tăng khả năng tản nhiệt, từ đó hạ sốt.
“Lưu ý, nhiệt độ chườm thấp hơn nhiệt độ cơ thể lúc đang sốt khoảng 1-2 độ. Ví dụ, nhiệt độ cơ thể là 40 độ thì chườm nước ấm là 38 độ. Vậy câu trả lời đúng ở đây là chườm ấm, không được chườm lạnh”, bác sĩ Trung nói.
Cũng theo bác sĩ Trung, chúng ta chườm tất cả các vị trí có da mỏng như nách, bẹn, trán... Với trẻ em bị sốt, trong trường hợp đặc biệt, cha mẹ có thể nhúng cơ thể trẻ vào bồn nước ấm.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng chia sẻ, khi trẻ sốt, phụ huynh có thể chườm và lau cho trẻ bằng nước ấm. Các bước như sau, cởi hết quần áo trẻ, dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, đặt 2 bên nách và 2 bên bẹn trẻ, chiếc khăn còn lại nhúng nước ấm lau khắp người trẻ. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhiệt độ của trẻ hạ xuống mức bình thường (37 độ C).
Nếu thấy nước trong chậu hết ấm, thay ngay chậu nước khác. Lau cho trẻ khoảng 10-15 phút. Sau đó, lau khô người và cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, nằm nghỉ ngơi.
Sau khi chườm ấm cho trẻ khoảng 30 phút, trẻ có thể hạ sốt, nên cặp lại nhiệt độ cho trẻ. Nếu sau khi chườm ấm cho trẻ khoảng 30 phút mà trẻ vẫn chưa hạ sốt, gia đình nên cho bé uống thuốc hạ sốt hoặc cho trẻ đi khám.
Theo Ngọc Trang (VietNamNet)