Vì sao không nên ăn trứng, uống sữa cùng lúc trong bữa sáng?
Ăn trứng kết hợp uống sữa là thói quen ăn uống được nhiều gia đình Việt ưa chuộng. Đây là bữa ăn sáng được coi là đủ chất, giàu dinh dưỡng, giúp cơ thể làm việc tốt nhất cho cả ngày dài năng động. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng, điều này thực sự không hề tốt như nhiều người đang nghĩ.
Theo ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi (Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng), chúng ta không nên ăn cùng lúc trứng và các sản phẩm sữa bò, sữa dê… Nguyên nhân được lý giải là trong sữa có đường Lactose, loại đường này tiêu hóa dễ nhờ vào các men lactase ở màng ruột tiết ra để cắt nhỏ đường lactose trở thành đường glucose. Trong trứng có nhiều protein, phân giải các axit amin. Khi ăn trứng và sữa cùng với nhau sẽ gây ra tình trạng khó tiêu do cơ thể không thể hấp thu được đường lactose trong sữa. Ở tình trạng nặng hơn có thể sôi bụng, tiêu chảy và đi ngoài phân chua.
Không chỉ có vậy, ngay cả khi bạn kết hợp ăn trứng với sữa đậu nành cũng là thói quen ăn uống không nên. Sữa đậu nành là sản phẩm nhiều chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trứng cũng là sản phẩm giàu đạm, khi kết hợp 2 sản phẩm giàu đạm cũng nhau cơ thể không thể tiêu hóa hết gây khó chịu, đầy hơi.
Nói như vậy để thấy, thói quen ăn uống tưởng chừng rất có lợi cho sức khỏe, bữa sáng tưởng chừng rất giàu dinh dưỡng này hóa ra không tốt như chúng ta vẫn nghĩ. Để tránh tình trạng này xảy ra, bạn có thể tách riêng hai sản phẩm ăn ở thời gian khác nhau để phân chia lượng đạm thích hợp. Ví dụ bạn có thể ăn trứng, sau đó khoảng 2 giờ mới uống sữa…
Những lưu ý không thể bỏ qua khi ăn trứng để cơ thể luôn khỏe mạnh
Theo PGS.TS Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng), để ăn trứng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thì người ăn cần nắm rõ một số lưu ý. Không nên kết hợp ăn trứng với đường để tránh cảm giác bụng dạ khó chịu, đồng thời khó hấp thu được chất dinh dưỡng từ trứng. Ngoài đường, PGS.TS Trần Toán cũng cho biết một số tài liệu khuyến cáo không nên ăn trứng với tỏi, không ăn trứng để qua đêm, đặc biệt là không ăn trứng kho…
Chuyên gia khuyến cáo, một số nhóm đối tượng sau nên hạn chế ăn trứng như những người bị tăng mỡ máu, tiền sử mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường… Người dễ bị dị ứng thì không nên ăn trứng sống như húp trứng sống, trứng đánh kem, luộc chưa chín hẳn (trứng trần, luộc lòng đào…). Ngoài ra, chuyên gia đặc biệt khuyến cáo trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn trứng vì khó hấp thu, không tốt cho sức khỏe đường tiêu hóa của trẻ.
Trứng gà, trứng vịt, trứng chim cút hay bất kì loại trứng nào đi chăng nữa, khi chưa nấu chín kỹ thì cơ thế rất khó hấp thu chất đạm. Trứng chưa chín sẽ khiến cơ thể dễ mắc những loại vi khuẩn gây hại, tồn tại sẵn trong trứng, nhất là từ vỏ trứng lây lan vào trứng trong quá trình chế biến. Ngược lại cũng không nên nấu trứng chín quá bởi sẽ làm phân hủy, mất tác dụng của chất sắt có trong trứng. Nên ăn trứng luộc bởi vì trứng luộc có khả năng bảo toàn và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn cả so với các loại trứng được chế biến theo kiểu khác.
Theo PGS.TS Trần Toán, để ăn trứng đảm bảo sức khỏe và tận dụng giá trị dinh dưỡng tối đa, chúng ta nên chọn trứng tươi, không dập nát, không bám bẩn. Đối với trứng tươi, bạn cũng nên ăn trong thời gian nhất định, không nên để quá lâu sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của trứng. Nên ăn trứng chín, không ăn dạng trần, tái vì khi ăn ở dạng này, protein trong trứng không hấp thụ hết được, có thể gây dị ứng.
PGS.TS Trần Toán cho biết thêm, trong trứng có chứa rất nhiều dinh dưỡng, thế nhưng ăn sao cho hợp lý và vừa đủ để có lợi nhất có sức khỏe. Lượng trứng ăn trong một tuần còn tùy theo từng nhóm đối tượng. Người lớn chỉ nên ăn 3-4 quả/tuần dù là trứng gà hay trứng vịt. Người đang mang thai cũng nên ăn trứng một cách hợp lý không nên ăn quá nhiều. Đối với trẻ em, ăn trứng cần phải lưu ý nhiều hơn, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên về dinh dưỡng trước khi quyết định cho trẻ ăn trứng.
Theo Tiểu Nguyễn (Tổ Quốc)