Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK) ước tính, cứ 100 người trưởng thành thì có 16 người gặp phải các triệu chứng táo bón. Đôi khi, tình trạng này trở thành vấn đề phức tạp khiến bạn cần tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Theo Rudolph Bedford, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Trung tâm Y tế Providence Saint John ở Santa Monica, sau khi thức ăn di chuyển tới ruột già, nước sẽ được hút đi và để lại các chất thải là phân. Nếu bạn bị táo bón, chúng sẽ tích tụ trong ruột và chặn không cho khí thoát ra ngoài. Do đó, những người mắc tình trạng này thường cảm thấy khó chịu, đầy hơi. Không những vậy, phân càng ở lâu trong ruột thì càng nhiều nước bị rút đi, khiến chất thải này trở nên cứng và khó di chuyển hơn.
Dưới đây là những dấu hiệu liên quan tới tình trạng táo bón cảnh báo bạn nên đi khám càng sớm càng tốt:
Đau bụng dữ dội
Như đã đề cập, táo bón tạo ra cảm giác không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau bụng dữ dội đến mức không thể chịu được, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Elana Maser, phó giáo sư khoa tiêu hóa tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai kiêm bác sĩ tiêu hóa tại Trung tâm Feinstein IBD trực thuộc Bệnh viện Mount Sinai ở New York cho biết, cơn đau đôi khi có thể kinh khủng hơn cả đau chuyển dạ.
Đau không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trên thực tế, một số người chỉ bị táo bón nhẹ nhưng lại cảm thấy đau khủng khiếp. Dù vậy, bác sĩ Elana khẳng định, đau dữ dội là vấn đề đáng báo động và cần được kiểm soát càng sớm càng tốt.
Xuất hiện máu trong phân
Nếu bạn nhận thấy phân lẫn với máu hoặc máu sót lại trên giấy vệ sinh khi lau, hãy đến gặp bác sĩ. Theo bác sĩ Rudolph, nhiều người cho rằng đó là dấu hiệu của bệnh trĩ nhưng trên thực tế, đây cũng là biểu hiện đầu tiên của ung thư đại trực tràng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đây là loại ung thư phổ biến đứng thứ tư ở Mỹ và giết chết hơn 50 nghìn người mỗi năm.
Dù vậy, máu lẫn trong phân không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ ung thư. Không ít vấn đề về tiêu hóa như bệnh viêm ruột (IBD), nứt hậu môn hoặc bệnh trĩ, có thể gây ra tình trạng này. Do đó, việc làm quan trọng nhất vẫn là đi khám càng sớm càng tốt ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường.
Không đi vệ sinh trong một tuần
Táo bón trong thời gian dài có thể gây ra hiện tượng ứ phân, khiến phân cứng lại và phồng lên đến mức không thể ra ngoài được. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người cao tuổi, mắc các bệnh lý gây táo bón. Bác sĩ sẽ phải dùng ngón tay để hỗ trợ và việc làm này không mấy dễ chịu, có thể gây đau đớn cho người bệnh.
Sốt
Về cơ bản, táo bón không gây sốt. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải cả hai hiện tượng này, hãy đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm túi thừa, vấn đề sức khỏe gây viêm hoặc nhiễm trùng các nang nhỏ hình thành ở đại tràng.
Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị viêm túi thừa. Trong trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này gây tắc nghẽn, chảy máu hoặc rách đại tràng. Do đó, nếu nhận thấy táo bón đi kèm với sốt, bạn đừng ngại ngần tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nôn
Nôn khi mắc táo bón có thể là dấu hiệu cho thấy phân trong đại tràng đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng và cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Một số tình trạng khác như ứ phân cũng gây ra hiện tượng này. Do đó, bạn nên nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán kịp thời.
Làm thế nào để điều trị táo bón?
Ngoài việc khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm để xác định rõ nguyên nhân nào gây táo bón.
Những người mắc phải tình trạng này thường được khuyên dùng thuốc nhuận tràng để dễ đi vệ sinh hơn. Tùy thuộc vào độ tuổi, bác sĩ có thể đề nghị nội soi đại tràng, đặc biệt khi phát hiện máu trong phân. Nếu bị sốt, bạn có khả năng cần chụp cắt lớp để tìm ra nguyên nhân.
Nhìn chung, mọi người đừng nên xem nhẹ tình trạng táo bón. Bác sĩ Rudolph cho biết, đây là vấn đề bất thường và bạn nên tránh phải đối mặt với chúng nhiều nhất có thể.
Theo Nhung Mai (Trí Thức Trẻ)