Khẩu trang bẩn như thế nào sau 12 giờ sử dụng liên tục? Hình ảnh cho thấy vì sao chúng ta không nên tái sử dụng khẩu trang

15/04/2021 14:42:20

Sau 12 giờ được sử dụng liên tục, trên cả 2 khẩu trang đều có nấm mốc và vi khuẩn nhưng số lượng ở khẩu trang vải nhiều hơn rất nhiều so với ở khẩu trang y tế.

Đeo khẩu trang trước khi ra khỏi nhà không chỉ giúp chúng ta phòng tránh được khói bụi mà còn bảo vệ cơ thể tránh bị một số vi khuẩn, virus có trong không khí xâm nhập. Trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang, từ khẩu trang y tế dùng một lần, khẩu trang kháng khuẩn cho đến khẩu trang vải tái sử dụng nhiều lần. Nhiều người nghĩ rằng dùng khẩu trang y tế rất là phí vì chỉ dùng được 1 lần đã bỏ, nên họ chuyển qua dùng khẩu trang vải để tiết kiệm chi phí.

Song mới đây, một nghiên cứu cho thấy sử dụng khẩu trang vải trong nhiều ngày liên tục mà không giặt sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe của người sử dụng.

Nghiên cứu này được thực hiện tại phòng thí nghiệm của Tập đoàn Eurofins - một trong những công ty hàng đầu toàn cầu về các dịch vụ xét nghiệm và phòng thí nghiệm cho gen, dược học, pháp y, khoa học vật liệu tiên tiến và hỗ trợ các nghiên cứu lâm sàng. Theo đó, các nhà khoa học đã sử dụng 2 chiếc khẩu trang, loại dùng một lần và loại tái sử dụng, và cho 2 người đeo liên tục. Cứ cách 6 tiếng đồng hồ, họ lại quan sát 2 chiếc khẩu trang một lần.

Khẩu trang bẩn như thế nào sau 12 giờ sử dụng liên tục? Hình ảnh cho thấy vì sao chúng ta không nên tái sử dụng khẩu trang

Kết quả cho thấy, sau 6 giờ, các nhà khoa học nhận thấy trong cả 2 khẩu trang đều có sự hiện diện của nấm mốc, nấm men và vi khuẩn như Staphylococcus aureus – liên quan đến nhiễm trùng da, Pseudomonas aeruginosa – gây ra tình trạng phát ban. Nhưng sau khi được sử dụng 12 giờ liên tục, lượng nấm mốc và vi khuẩn trong khẩu trang đã tăng lên đáng kể. Và điều đáng chú ý là số lượng vi khuẩn và nấm mốc trên khẩu trang vải nhiều hơn rất nhiều so với khẩu trang y tế dùng một lần.

Giải thích về vấn đề này, các nhà vi trùng học ở Eurofins cho biết môi trường vi sinh ấm và ẩm trong tất cả các loại khẩu trang là môi trường có lợi cho sự phát triển của vi sinh vật.

Tiến sĩ Joel Lee, giám đốc Trường Khoa học Hóa học và Đời sống thuộc Đại học Bách khoa Nanyang (Singapore), cho biết chất liệu của khẩu trang đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành vi khuẩn sau khi nó được sử dụng trong 12 giờ. Ông nói: "Sự khác biệt chính giữa khẩu trang dùng một lần và tái sử dụng chính là chất liệu của lớp bên trong gần với miệng nhất. Mỗi khi chúng ta ho, hắt hơi hay nói chuyện, các giọt bắn của nước bọt sẽ văng ra và tạo thành môi trường ấm và ẩm, từ đó nấm, men, mốc, vi khuẩn hình thành và sinh sôi nảy nở".

Khẩu trang bẩn như thế nào sau 12 giờ sử dụng liên tục? Hình ảnh cho thấy vì sao chúng ta không nên tái sử dụng khẩu trang - 1
Các chuyên gia khuyên rằng nên giặt khẩu trang vải sau mỗi lần sử dụng để đảm bảo sức khỏe (Ảnh minh họa).

Tiến sĩ Lee cũng chia sẻ thêm rằng khẩu trang y tế có khả năng lọc vi khuẩn và có độ thoáng khí tốt hơn các loại khẩu trang vải. Trong khi đó, khẩu trang tái sử dụng được làm bằng chất liệu dệt, dẫn đến khoảng cách các sợi lớn hơn, do đó cung cấp khả năng lọc vi khuẩn kém hơn.

Do đó, Tiến sĩ Lee khuyên rằng nếu bạn đang sử dụng loại khẩu trang vải thì nên thường xuyên giặt giũ cho nó sạch sẽ, nhằm tránh trường hợp khẩu trang chứa đầy bụi bẩn, mồ hôi và các loại vi khuẩn gây ảnh hưởng đến việc kích ứng da hoặc nhiễm trùng.

Ngoài ra, tiến sĩ John Chen, trợ lý giáo sư tại khoa vi sinh và miễn dịch học thuộc Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết vi khuẩn trên khẩu trang không có khả năng gây hại đến sức khỏe của người sử dụng ngay lập tức, nhưng về lâu dài thì rất đáng lo ngại.

"Nếu cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn ở mức độ thấp, hệ miễn dịch của bạn luôn kiểm soát được việc này. Nhưng nếu lượng vi khuẩn bám trên da nhiều, nó sẽ gây ra các phản ứng dị ứng từ nhẹ đến nặng, từ các vấn đề về hô hấp cho đến nhiễm trùng mũi. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên giặt khẩu trang sau mỗi lần sử dụng", Tiến sĩ Chen nhắn nhủ.

Theo H.H (Pháp Luật & Bạn Đọc)