Hy hữu: Thai phụ mang song thai, một trong tử cung, một ngoài tử cung

20/06/2023 15:00:37

Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện chị T. mang song thai nhưng ở 2 vị trí khác nhau, một nằm gọn trong buồng tử cung, thai còn lại ngoài buồng tử cung.

Ngày 19/6, VTC News dẫn lời các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết vừa thực hiện phẫu thuật thành công cho sản phụ H.T.K.T có song thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hiếm gặp, một trong tử cung và một ngoài tử cung.

Chị T. chuyển 2 phôi trong quá trình thực hiện IVF tại một cơ sở y tế, nhưng khi khám thai, chị chỉ được phát hiện một thai phát triển trong buồng tử cung. Đến tuần thai thứ 13, chị đau bụng nhiều, tới khám tại Bệnh viện 354 và chuyển đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Chị T. nhập viện trong trạng thái lơ mơ, mệt mỏi, tiếp xúc kém, da xanh niêm mạc nhợt, bụng căng, chướng, ấn đau khắp bụng. Kết quả siêu âm cho thấy, ngoài một thai tương đương 13 tuần 2 ngày trong buồng tử cung, thì còn phát hiện khối tăng âm cạnh buồng trứng trái kích thước 100x60mm, nhiều dịch tự do ổ bụng.

Hy hữu: Thai phụ mang song thai, một trong tử cung, một ngoài tử cung
Nhờ được theo dõi và điều trị sát sao hàng ngày, chị T. hồi phục sức khỏe nhanh. Ảnh: BVCC

Nghi ngờ bệnh nhân mang song thai, trong đó một ngoài tử cung nên các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi thăm dò ổ bụng. Kết quả cho thấy chị T. mang song thai nhưng 2 thai nằm ở 2 vị trí khác nhau. Một thai nằm gọn trong buồng tử cung phát triển bình thường. Thai còn lại ngoài buồng tử cung, phát triển ở đoạn kẽ vòi tử cung bên trái dẫn đến hoại tử, vỡ, gây mất máu trong ổ bụng.

Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Đinh Huy Cường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, việc cùng lúc mang thai thai đôi trong đó một ngoài tử cung, một trong tử cung là rất hiếm gặp. Theo y văn thế giới, một thai trong và một thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 1/30.000 trường hợp mang thai tự nhiên và 1/125 ca thai ngoài tử cung.

Riêng thai thụ tinh trong ống nghiệm, tỷ lệ song sinh bất thường cao hơn. Vị trí song thai ngoài và trong tử cung thường nằm ở cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, vùng sẹo mổ lấy thai. Nếu không can thiệp kịp thời, thai ngoài tử cung có thể vỡ, chảy máu ồ ạt, đe dọa sức khỏe cả mẹ và thai còn lại.

Nhận thấy tình trạng nguy cấp, các bác sĩ nhanh chóng can thiệp nội soi, loại bỏ khối chửa ngoài tử cung, đảm bảo cho thai còn lại, hút ra 1,5 lít máu chảy trong ổ bụng. Bệnh nhân được chăm sóc tích cực, hồi phục nhanh, thai nhi còn lại phát triển bình thường.

Thai ngoài tử cung bình thường dễ phát hiện nhờ siêu âm. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các tai biến sản khoa ở ba tháng đầu thai kỳ. Bác sĩ khuyến cáo triệu chứng thường gặp là tắt kinh, có khi chậm kinh vài ngày hoặc rối loạn kinh nguyệt, có thể có dấu hiệu nghén, vú căng. Bệnh nhân đau bụng vùng hạ vị, một bên, âm ỉ, ra máu màu nâu đen có khi lẫn màng, không đông.

Thai ngoài tử cung gây nguy hiểm tính mạng do mất máu, ảnh hưởng sức khỏe, vô sinh. Phụ nữ ở độ tuổi sinh sản cần đi khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường.

PN (SHTT)