Theo trang Trường Giang Daily News, ngày 19/4 vừa qua, bác sĩ Lý Chí Cương tại Bệnh viện số 1 Vũ Hán, Trung Quốc đã tiếp nhận một nam bệnh nhân bị hóc xương cá trong trường hợp rất nặng, buộc phải phẫu thuật để gắp mảnh xương ra.
Được biết, nam bệnh nhân này họ Vương (28 tuổi), anh đến ăn tối nhà của bạn mình và rất thích món cá kho dưa. Tuy nhiên, vì không chú ý mà anh bị hóc xương cá, mặc dù cố gắng ho mạnh vài lần nhưng vẫn không có tác dụng, sau khi uống vài ngụm trà vẫn còn cảm giác ngứa ran ở cổ. Người bạn của anh khuyên nên đến bệnh viện, nhưng anh cảm thấy phiền phức nên nuốt thêm một cục cơm to với hy vọng nó cuốn mảnh xương cá đi.
2 ngày sau đó, anh Vương cảm thấy đau rát ở mông, triệu chứng trở nên rõ ràng khi đại tiện. Anh nghĩ rằng, đó có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ nên đến bệnh viện gần nhà khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ không thấy gì bất thường nên cho về nhà tự theo dõi. Cơn đau của anh Vương sau đó càng trở nên dữ dội, toàn bộ vùng hông sưng đỏ, gia đình vội vàng đưa đến Bệnh viện số 1 Vũ Hán.
Bác sĩ Lý Chí Cương, sau khi kiểm tra đã chẩn đoán anh Vương bị áp xe quanh hậu môn. Trong quá trình nội soi trực tràng, bác sĩ Lý nhận thấy có dị vật nên cho anh Vương nhập viện. Sau khi kiểm tra thêm, bác sĩ Lý xác định dị vật mắc kẹt ở hậu môn là một chiếc xương cá. Anh Vương nhanh chóng chỉ định phẫu thuật gấp, một chiếc xương cá dài 3cm đã được lấy ra.
Hóc xương cá là một tai nạn phổ biến, nhiều người có thói quen uống giấm, nuốt cơm, bánh, rau, hoặc uống nhiều nước để làm mòn mảnh xương hoặc cuốn trôi nó vào bụng. Bác sĩ Lý nói rằng, có 3 vị trí hẹp ở thực quản, hóc xương cá thường nằm ở vị trí hẹp nhất của thực quản. Nếu là xương cá nhỏ, mềm, hướng xuống dưới, có thể bị thực phẩm đẩy xuống dạ dày.
Tuy nhiên, vị trí đi xuống của xương cá không cố định, dễ vướng vào vị trí hẹp thứ 2. Động mạch chủ gần với tim, cách chỗ hẹp thứ 2 ở thực quản không xa. Nếu xương cá đâm thủng thành thực quản, nó sẽ đâm thẳng vào động mạch chủ, hậu quả sẽ thảm khốc hơn.
Trong nhiều trường hợp, ví dụ việc nuốt cơm không cuốn trôi được xương cá mà nó còn có thể khiến mảnh xương đâm vào thực quản sâu hơn. Bác sĩ Lý khuyên bệnh nhân nên ngưng nuốt hay ăn sau khi bị hóc xương cá, thả lỏng cổ họng và đi khám càng sớm càng tốt.
Cách chữa hóc xương cá nói riêng, hóc xương nói chung
Khi bị hóc xương, nếu không biết cách xử lý có thể khiến xương cắm sâu vào cổ họng, gây nguy hiểm. Một số người sau khi bị hóc xương đã nghĩ ngay đến việc áp dụng các biện pháp dân gian để đảy được mảnh xương xuống dưới nhưng những cách như nuốt cơm, ho, ăn bánh mì... đều không có cơ sở khoa học, và nếu không cẩn trọng có thể càng khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, như trường hợp của bệnh nhân họ Vương nói trên.
Nếu không may bị hóc xương, hãy bình tĩnh và thực hiện theo những hướng dẫn như sau:
- Ngừng nuốt ngay lập tức: Cố nuốt không những không giúp xương trôi xuống mà còn có thể vô tình khiến cho xương càng đâm sâu và gây tổn thương. Bạn cũng không nên khạc mạnh nhiều lần hay thử ăn bất cứ thứ gì để giúp đẩy xương xuống bởi rất dễ bị nghẹn.
- Cố gắng nôn ra càng sớm càng tốt: Chú ý tuyệt đối không được dùng tay đưa vào cổ họng, bởi thao tác này sẽ đẩy xương xuống cổ họng sâu hơn.
- Há miệng to rồi nhờ người xung quanh kiểm tra cổ họng bằng đèn pin. Nếu trường hợp xương cá mắc ở vị trí mà mắt thường có thể nhìn thấy được hãy dùng kẹp y khoa để gắp ra.
- Theo dõi xem còn đau hay thấy vướng trong cổ khi nuốt nước bọt nữa hay không. Nếu cảm thấy xương vẫn còn mắc ở vị trí nào đó trong họng hãy đến các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra và xử lý. Tuyệt đối không nên để quá lâu vì dễ gây biến chứng cũng như khiến cho việc điều trị phức tạp hơn.
Theo Phan Hằng (Trí Thức Trẻ)