Mới đây, thông tin một cô gái 26 tuổi tiết kiệm được 2 tỷ đồng sau 3,5 năm với bữa trưa chỉ ăn khoai lang và dứa khiến cộng đồng mạng vô cùng xôn xao. Nhiều người trầm trồ trước lối sống đến mức tiết kiệm triệt để của cô nàng này. Trong đó, riêng chuyện ăn uống, cô nấu ăn ở nhà và ăn nhiều rau, giảm lượng thịt vì lý do môi trường. Đặc biệt, cô gái 26 tuổi tiết lộ, bữa trưa của cô thường là khoai lang và dứa mà không có bất cứ món ăn nào khác.
Ngưỡng mộ là thế nhưng việc ăn uống quá đỗi tằn tiện đến nỗi bữa trưa chỉ có khoai lang và dứa làm nhiều người bày tỏ sự lo lắng. Không ít người đặt ra câu hỏi liệu chỉ ăn khoai lang và dứa vào bữa trưa từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác có thực sự tốt cho sức khỏe không? Đó đơn giản chỉ là cách chống qua cơn đói siêu tiết kiệm hay là cách nâng cao sức khỏe mà bấy lâu chúng ta không hay biết? Việc ăn nhiều dứa và khoai lang liên tục hàng ngày có thực sự không gây ra vấn đề sức khỏe gì?
Ăn trưa bằng dứa và khoai lang - Bữa ăn không lành mạnh vì không cân bằng dinh dưỡng
Theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), khẩu phần dinh dưỡng cân bằng phải bao gồm 4 chất: đường bột - đạm - béo - vitamin và khoáng chất. Nếu bữa ăn không được cung cấp đủ 4 chất này nghĩa là cơ thể bạn đang bị lệch chuẩn dinh dưỡng, không đủ chất dinh dưỡng. "Ngay cả những người giảm cân hay thải độc cơ thể cũng cần tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng cân bằng, nếu không cơ thể sẽ không có năng lượng để hoạt động. Người lao động chân tay cần phải có năng lượng. Người lao động trí óc cũng cần phải có năng lượng", chuyên gia khẳng định.
Do đó, nếu chỉ ăn trưa với mỗi khoai lang và dứa, bữa ăn này không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, không đảm bảo cơ thể đủ chất. Việc tiết kiệm tiền bằng cách "bóp mồm bóp miệng" chỉ ăn mỗi khoai lang, dứa có thể khiến bạn mắc phải những căn bệnh nguy hiểm.
Theo chuyên gia, khoai lang là một loại củ giàu tinh bột, đường, nhiều chất xơ. Trong khi dứa là một loại quả có nhiều vitamin và khoáng chất. Nhưng cả hai loại thực phẩm này đều không phải nguồn cung cấp chất béo, chất đạm nên nếu ăn kéo dài từ ngày này qua ngày khác sẽ rất nguy hiểm.
Theo BS Tường Vi, khoai lang rất tốt cho sức khỏe nhưng không thể dùng thay cơm được. Trong khoai lang vẫn chứa một lượng đường khá cao, nhất là các loại khoai mật. Ăn loại khoai này ngày quay ngày thay cơm có thể dẫn đến việc tích đường trong cơ thể, là nguyên nhân dẫn đến nhiều chứng bệnh cũng như làm bệnh tình thêm trầm trọng hơn.
Người bệnh thận ăn khoai lang dễ mắc thêm chứng bệnh tim mạch
Chuyên gia nhận định, khoai lang chứa nhiều chất xơ, vitamin A, đặc biệt là kali. Khi thận yếu, chức năng loại bỏ kali dư thừa cùng bị hạn chế, gây ra những tác hại nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, gây yếu tim...
Do đó, người bị bệnh thận thậm chí còn được khuyến cáo không nên ăn khoai lang. Nếu ai bị bệnh thận mà muốn học cách ăn uống tiết kiệm của cô nàng này để dư dả tiền bạc thì phải suy nghĩ lại ngay nhé!
Người có hệ tiêu hóa kém ăn khoai lang dễ bị trầm trọng thêm tình trạng
Những người có hệ tiêu hóa không tốt, thường xuyên bị đầy hơi, trướng bụng không nên ăn nhiều khoai lang vì lúc ăn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, càng sinh hơi trướng bụng. Khuyến cáo khi ăn vừa phải, ăn ít một cũng chỉ nên ăn 2-3 lần trong tuần, không nên ngày qua ngày kéo dài, gây tổn thương hệ thống tiêu hóa.
Chưa kể, người có sức khỏe đường tiêu hóa khá tốt cũng không nên ăn quá nhiều một lúc loại thực phẩm này. Nguyên nhân bởi khoai lang dễ khiến đường tiêu hóa sản sinh một lượng lớn carbon dioxide (CO2), khi ăn quá nhiều sẽ bị đầy hơi và ợ hơi.
Nếu bạn có bụng dạ yếu, thường xuyên đau bụng, đầy bụng... khi ăn uống thì cẩn trọng cao độ. Ngay cả khi bạn có cái bụng khá lành thì cũng không được ăn nhiều, không được ăn quá 3 lạng mỗi ngày vì nếu vượt cũng không tốt cho sức khỏe chút nào.
Ăn khi đói
Lẽ tất nhiên, muốn ăn khoai lang thay cơm như cô gái trẻ kia thì bạn phải ăn khoai lang khi đói rồi. Nhưng chuyên gia khuyến cáo điều này vô cùng tai hại. Ăn khi đói, khoai lang sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này thì cần đảm bảo khoai được nấu, luộc, nướng thật chín kỹ và đặc biệt không nên ăn khi bụng đang đói meo.
Dứa rất ngon, đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng ăn như bữa chính chưa chắc đã tốt
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) , dứa bản chất là một loại quả tráng miệng, chỉ ăn sau khi đã thưởng thức xong bữa cơm. Bởi lẽ, loại quả này có những thành phần có thể gây cồn cào, khó chịu ở bụng. Cụ thể:
Trong dứa có men thủy phân protit dễ gây dị ứng
Trong dứa có men thủy phân protit, có tên là bromelin. Một số người có thể bị dị ứng nếu ăn phải chất này. Biểu hiện dị ứng sau khi ăn dứa là đau quặn bụng, đau đầu dữ dội, lợm giọng, nôn mửa, nổi mề đay, da nổi mẩn đỏ ngứa ngáy, chân tay và môi có cảm giác tê dại. Nặng hơn có thể bị khó thở, thậm chí tử vong. Do đó, tốt nhất với người lần đầu ăn dứa nên ăn từng tí một để lắng nghe cơ thể trước khi ăn nhiều hơn.
Ăn quá nhiều dứa một lúc dễ bị đau đầu, choáng váng
"Trong dứa có chất serotonin có khả năng gây co thắt huyết quản mạnh, làm huyết áp tăng cao. Ăn quá nhiều một lúc có thể bị đau đầu, choáng váng", lương y Bùi Hồng Minh cho biết thêm.
Ăn dứa khi đói không tốt cho tiêu hóa
Nếu bạn ăn khi đói sẽ khiến cơ thể bị nôn nao, khó chịu. Nguyên nhân là do các chất hữu cơ và bromelin có trong dứa tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột. Do đó, bạn có ý định dùng dứa làm bữa ăn trưa thì cần hết sức cảnh giác nhé!
Theo TH (Nhịp Sống Việt)