Bé được mẹ đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám cách đây không lâu. Mới học lớp 4 nhưng cô bé xinh xắn, vẻ mặt thâm trầm, tóc vùng đỉnh đầu lưa thưa, lởm chởm.
Theo lời kể của gia đình, vì điều kiện công việc, bố mẹ em không thường xuyên trao đổi với con gái. Cô bé có tính cách hướng nội, ít chia sẻ, ít bộc lộ cảm xúc, đi học về thường ngồi trong phòng riêng.
Thời gian gần đây, người mẹ bỗng phát hiện thấy con tóc lưa thưa không rõ nguyên nhân, bởi khi quét nhà, chị không thấy tóc con rụng nhiều. Đưa con đi phòng khám tư về, chị cho con uống và bôi nhiều loại thuốc kích thích mọc tóc nhưng không hiệu quả. Cuối cùng, chị cho con đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.
Trực tiếp khám cho bé gái, ThS, BS Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, cho hay vùng rụng tóc của bé không đối xứng, đa hình và bờ không đều, tập trung ở vùng đỉnh, sợi ngắn - dài không đều nhau.
Khi bác sĩ hỏi thông tin từ phụ huynh bệnh nhân, mẹ cháu không cung cấp được. Đến lúc bác sĩ hỏi chính bệnh nhi, cô bé tỏ ra e dè. Khai thác kỹ, BS Diệp biết việc cô bé thường xuyên nhổ tóc, đặc biệt khi căng thẳng, mệt mỏi, bé lại cố nhổ tóc và mỗi lần nhổ được, bé tỏ ra rất "thoả mãn", hả hê; ngược lại nếu không nhổ được, bé rất ức chế, bực bội.
Để xác định chính xác tình trạng bệnh/tật, bác sĩ chỉ định bệnh nhân chụp phân tích tình trạng nang tóc để loại trừ bệnh rụng tóc từng mảng; xét nghiệm loại trừ bệnh nấm tóc (vì nấm cũng gây nên rụng tóc). Phối hợp khám lâm sàng và hỏi bệnh, các bác sĩ kết luận, cô bé 9 tuổi có tật nhổ tóc.
"Việc điều trị cho bé gồm cả liệu pháp tâm lý, điều chỉnh hành vi và sử dụng thuốc" - BS Diệp cho hay.
Bé còn được bổ sung vitamin kích thích mọc tóc. "Thuốc chưa phải là điều quan trọng và mang lại hiệu quả nhất. Vấn đề tâm lý của bé phải được củng cố lâu dài với sự động viên của bố mẹ vì tình trạng tật nhổ tóc của bé có thể tái phát nếu tâm lý, tinh thần bé không cải thiện" - BS Diệp cho hay.
Theo BS Diệp, đây là trường hợp may mắn vì can thiệp sớm để thay đổi hành vi của trẻ. Gần đây, trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân tới khám vì tật/bệnh nhổ tóc, đa số đều ở Hà Nội hay đô thị lớn.
Phần lớn bệnh nhân là bé gái từ 8-13 tuổi. Hầu hết các em có khuynh hướng tính cách hướng nội, ít chia sẻ với người khác.
Theo phân tích của BS Diệp, một nguyên nhân khiến đông bệnh nhân tuổi này tới khám bởi giai đoạn này các bé gái bắt đầu thay đổi tâm lý, căng thẳng trong quá trình học hành, tập trung suy nghĩ, nhất là trong giai đoạn thi cử nên các bé hình thành thói quen vuốt, nhổ tóc.
Cùng đó, không ít trẻ gặp phải những cú sốc, biến cố, sang chấn tâm lý trong khi bố mẹ không quan tâm, để ý dễ kích thích bệnh khởi phát, thành thói quen và tật nhổ tóc.
"Tật nhổ tóc có ở người lớn nhưng ít hơn, thường gặp ở những người có nền rối loạn tâm lý, trầm cảm, ít vận động, trì trệ…" - BS Diệp cho hay.
Trẻ có tật nhổ tóc thường kèm theo một số tic vận động (tình trạng liên quan đến các chuyển động ngắn, không chủ ý, xảy ra bất ngờ, tái diễn nhiều lần và người bệnh thường không kiểm soát được các triệu chứng) khác như mút hay cắn móng tay. Một số trường hợp kèm theo nhai và ăn tóc dẫn đến tắc ruột do búi tóc (trichobezoar).
Làm gì khi con có tật nhổ tóc?
Điều đáng nói về những sai lầm của cha mẹ khi các con trong độ tuổi này có tật nhổ tóc, đó là có cha mẹ không quan tâm nên phát hiện muộn, cũng có thể lại có biện pháp can thiệp không phù hợp.
Ví dụ, có cha mẹ mắng mỏ, doạ nạt con không được tiếp tục hành vi nhổ tóc; hoặc có gia đình lại cho con dùng các loại thuốc kích thích mọc tóc vì tin vào quảng cáo... Tất cả liệu pháp này đều không có kết quả tốt bởi bé vẫn tiếp tục nhổ tóc.
"Có bé có tật nhổ tóc từ lâu nhưng gia đình không biết, khi đến viện, trẻ đã bị viêm nang lông, nang tóc bị sẩn đỏ, có mủ, bội nhiễm, gây ra sẹo khiến mất nang tóc, tóc không thể mọc lại được" - nữ bác sĩ chia sẻ về trường hợp mới 13 tuổi nhưng đã đối mặt tình trạng mất sợi tóc vĩnh viễn.
Điều được BS Diệp lưu ý, là không phải trường hợp trẻ có tật nhổ tóc nào cũng phải can thiệp bằng liệu pháp tâm thần. Với những ca bệnh "nhẹ", có thể thay đổi bằng hành vi (bỏ tật nhổ tóc) được thì không nhất thiết phải đi khám tâm thần, nhưng với những người có nhân cách nghệ sĩ yếu (dễ lo âu, trầm cảm, chán nản, strress...) thì phải khám tâm thần để phối hợp điều trị.
Theo BS Diệp, việc cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ với con có ý nghĩa không chỉ riêng bệnh/tật nhổ tóc mà với tất cả những gì liên quan đến trẻ. Cùng đó, cha mẹ cần cho con vận động thể lực, hoạt động ngoại khoá, tránh để con trì trệ, hạn chế những áp lực cho trẻ. Nếu đã áp dụng các hành vi can thiệp này mà không thay đổi tật nhổ tóc của trẻ thì cần cho đến bác sĩ da liễu và tâm thần.
Theo Thu Nguyên (Giadinh.net.vn)