Ho kéo dài - Dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm

06/09/2022 11:10:36

Ho là một phản xạ tốt của cơ thể, giúp loại bỏ chất nhầy, bụi bẩn, vi khuẩn, virus ra khỏi hệ hô hấp. Ho không đáng ngại nếu chỉ xảy ra vài ngày, điều trị bằng thuốc thuyên giảm nhưng nếu ho dai dẳng trên 2 tuần và tái phát liên tục thì bạn cần đặc biệt cảnh giác.

1. Bệnh ho gà

ho gà là bệnh có thể gặp cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, căn bệnh này trở nên nguy hiểm hơn vì phần lớn bố mẹ hay nhầm lẫn giữa ho gà và ho thường nên đưa con đến khám trong tình trạng bệnh đã trở nặng, rất nguy hiểm.

Sau khi tiếp xúc với mầm bệnh, khoảng 5 đến 10 ngày sau, người bệnh sẽ có những biểu hiện như ho nhẹ hoặc sốt. Những cơn ho ngày càng nhiều và ngày càng nặng hơn, có thể kéo dài trong 2 tuần, cũng có thể lâu hơn (khoảng 1 đến 2 tháng).

 

Bệnh ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học,…

Ho kéo dài  - Dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm
Trẻ sơ sinh mắc ho gà, nếu không được phát hiện sớm sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho nhiều. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bố mẹ cần lưu ý và đưa con đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng nặng nề.

Biến chứng của bệnh ho gà ở trẻ em: Cha mẹ thường chủ quan, nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường nên mua thuốc tự điều trị hoặc áp dụng các kinh nghiệm dân gian. Nhưng chính hành động này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với trẻ như viêm phổi, hay khó thở, thậm chí là ngưng thở do không đủ oxy để cung cấp lên não, tổn thương não, viêm não và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Biến chứng đối với thiếu niên và người trưởng thành: Với những đối tượng này, biến chứng thường ít nghiêm trọng hơn so với trẻ sơ sinh do phần lớn đã được tiêm phòng bệnh. Cụ thể, nếu không được điều trị, bệnh ho gà có thể gây viêm phổi, mất kiểm soát chức năng bàng quang, sút cân.

2. Viêm phổi

Ho, sốt, thở gắng sức, thở dồn, kèm theo một số biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên đau tức ngực,… chính là những triệu chứng của bệnh viêm phổi. Nếu có biểu hiện này, bạn tuyệt đối không được chủ quan mà nên đi khám sớm.

 

Viêm phổi là tình trạng viêm ở một hoặc vài vùng trong phổi nhưng cũng có thể viêm toàn bộ phổi. Nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm phổi nhưng phổ biến nhất là một số loại vi khuẩn, vi nấm và virus. Bạn có thể hiểu đơn giản, virus tấn công làm tổn thương vùng niêm mạc đường dẫn khí hô hấp, từ đó xâm nhập vào phổi và phá hủy cơ quan này.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào độc tính của các tác nhân gây bệnh và sức để kháng trong cơ thể người bệnh. Nghĩa là những người có bệnh lý nền (như bệnh đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…) những người có sức đề kháng kém như người già và trẻ em, thì sẽ gặp nguy hiểm hơn khi mắc bệnh này.

Ở giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh thường chỉ là ho, sốt,… nhưng khi không điều trị sớm bệnh sẽ tiến triển nặng. Cụ thể người bệnh có thể bị ho nhiều hơn, tức ngực, sốt cao có thể kèm theo tình trạng rét run, tím môi,… Thậm chí cũng có thể gây ra những biến chứng nặng như như áp xe phổi hay tràn mủ màng phổi, dẫn tới tử vong.

Bệnh viêm phổi có thể phát triển nhanh trong thời điểm giao mùa. Ở thời điểm này, bạn cần bổ sung dinh dưỡng, tập luyện,… để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, phòng tránh bệnh tật.

Nếu có những biểu hiện bất thường như ho và sốt cần đến bệnh viện để thăm khám. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị. Các chuyên gia khuyến cáo nếu bệnh do virus gây ra thì điều trị kháng sinh thường không có tác dụng.

Hiện nay, chúng ta cần nâng cao tinh thần phòng chống bệnh viêm phổi cấp tính do nhiễm virus COVID-19. Tránh tụ tập nơi đông người, không tiếp xúc với những người có triệu chứng viêm đường hô hấp và luôn phải đeo khẩu trang khi ra đường, vệ sinh tay thường xuyên.

3. Lao

Bệnh lao là một bệnh gặp nhiều ở những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bệnh do trực khuẩn mycobacterium tuberculosis gây ra, một số trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh là những người có hệ miễn dịch kém như bệnh nhân ung thư hoặc bệnh nhân nhiễm HIV,…

Nếu có những biểu hiện bất thường như ho và sốt cần đến bệnh viện để thăm khám.

Một số triệu chứng như ho nhiều, ho dai dẳng hơn 2,3 tuần, thậm chí ho ra máu và kèm theo đó là đau tức ngực và mệt mỏi, sốt, ra nhiều mồ hôi vào ban đêm,… chính là biểu hiện của bệnh lao.

Bệnh lao nếu không được điều trị sớm có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Khi virus đã lây lan khắp cơ thể, nó có thể gây tổn thương khớp, tổn thương xương sống,… hoặc có thể dẫn tới tử vong.

Ho kéo dài  - Dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm - 1

4. Ung thư phổi

Những đối tượng thường xuyên hút thuốc được cho là có nguy cơ cao đối mặt với ung thư phổi. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra ung thư phổi, thậm chí những người chưa bao giờ chạm tay vào điếu thuốc cũng được chẩn đoán mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Chính vì thế, nếu những cơn ho của bạn dai dẳng, kéo dài hơn 2 tuần và kèm theo một số biểu hiện như ho có máu hoặc chất nhầy màu rỉ sét, khản tiếng, đau ngực,… bạn nên thận trọng và tốt nhất hãy đi khám sớm.

 

Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm nhất, vì khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Người bệnh thường chủ quan và chỉ khám bệnh khi đã có những biểu hiện nặng và bệnh đã ở giai đoạn cuối, rất khó để điều trị hiệu quả.

Ho kéo dài về đêm không nên xem thường

Ho kéo dài về đêm chỉ tình trạng không ho hoặc ho ít vào ban ngày, nhưng đến đêm lại xuất hiện cơn ho dai dẳng và liên tục. Triệu chứng ho kéo dài về đêm gặp cả ở trẻ em và người lớn.

Ho kéo dài về đêm ở trẻ em

Nhiều trẻ không ho vào ban ngày vì thời điểm này thường ở tư thế vận động các chất nhày có thể bài tiết ra ngoài dễ dàng. Nhưng ban đêm, khi ngủ các chất nhầy ứ đọng trong cổ họng gây kích thích ho. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến ho kéo dài về đêm ở trẻ như:

- Dị vật xuất hiện trong đường hô hấp gây tình trạng ho sặc sụa, không bị sốt nhưng khó thở, mặt tái đi.

- Trẻ ho nhiều về đêm cũng có thể di bị cảm lạnh, viêm xoang nên đờm từ xoang chảy xuống họng gây ho khi ngủ.

- Với trẻ gặp tình trạng ho về đêm kèm theo hiện tượng sặc từng cơn dẫn đến nôn trớ thì đây có thể là triệu chứng ho do trào ngược dạ dày thực quản.

Ho kéo dài về đêm ở người lớn

Ho kéo dài về đêm ở người lớn diễn ra thường xuyên sẽ khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi dễ dẫn đến cáu kỉnh, giảm hiệu suất làm việc. Ho kéo dài về đêm ở người lớn có thể do các yếu tố sau:

- Hen suyễn: Ho kéo dài về đêm được coi là triệu chứng ban đầu của bệnh hen suyễn, ngoài ra người bệnh còn cảm thấy khó thở, thở rít, khạc đờm, nặng ngực...

- Viêm xoang: Khi bị viêm xoang sẽ dẫn đến hiện tượng ứ đọng dịch về ban đêm và gây ho.

- Trào ngược axit: Các axit dịch vị trong dạ dày trào ngược lên phổi gây ho nhiều vào ban đêm.

Ho kéo dài  - Dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm - 2

Phải làm sao khi ho kéo dài uống thuốc không khỏi?

Khi cơn ho kéo dài, người bệnh thường có xu hướng tìm đến thuốc tân dược để điều trị. Trên thực tế, nếu nguyên nhân ho không phải do chứng bệnh truyền nhiễm thì việc uống thuốc sẽ không có hiệu quả đáng kể.

Khi gặp phải tình trạng ho kéo dài uống thuốc không khỏi, người bệnh cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây:

- Không tự ý sử dụng thuốc: Có nhiều bệnh dẫn đến ho kéo dài, nếu không xác định đúng nguyên nhân mà tự ý sử dụng thuốc có thể gây tác dụng phụ, biến chứng làm bệnh nặng thêm, hoặc gây ra hiện tượng nhờn thuốc sẽ rất nguy hại cho sức khỏe.

- Đến gặp bác sĩ chuyên khoa: Khi gặp phải triệu chứng ho kéo dài không khỏi, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Việc xác định rõ nguyên nhân và chữa trị theo đúng phác đồ chuẩn sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả.

- Vệ sinh vùng mũi họng: Người bệnh nên súc miệng và vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Khi vi khuẩn được tiêu diệt, tình trạng viêm sẽ giảm nhẹ, tình trạng ho giảm rõ rệt.

- Sử dụng các biện pháp giảm ho: Các bài thuốc dân gian với mật ong, ô mai, đường phèn, chanh, quất, bạc hà,... có thể giúp làm giảm nhẹ chứng đau họng và ho kéo dài.

- Tránh tiếp xúc với môi trường nhiễm: Tránh xa môi trường độc hại, nhiều khói bụi, lông động vật,...giúp hạn chế tình trạng ho nặng hơn.

- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước và các chất lỏng lúc này sẽ có tác dụng làm loãng chất nhầy trong mũi và đờm ở cổ họng, điều này giúp cơn ho giảm đi nhanh chóng.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật