HIV/AIDS bủa vây vùng cao: Ngăn chặn bằng cách nào?

04/09/2018 11:19:44

Cục Phòng chống HIV/AIDS cảnh báo dịch HIV đang lây lan ra cộng đồng, nếu không triển khai đồng bộ các biện pháp thì khó có thể kiểm soát

Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV. Đến thời điểm này, số nhiễm HIV trong cộng đồng đang quản lý khoảng 208.000 người, chưa kể 93.000 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS.

Lây nhiễm do "3 không"

Cũng theo báo cáo của cơ quan trên, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận hơn 3.500 trường hợp nhiễm HIV, trong đó hơn 800 người tử vong. Dịch HIV/AIDS đã xảy ra ở tất cả tỉnh, thành với 99,8% số quận, huyện và trên 80,3% số xã, phường.

Đáng chú ý, trong tổng số phát hiện nhiễm mới, tỉ lệ nữ có xu hướng tăng dần. Cụ thể, trong số những người phát hiện nhiễm HIV, nữ giới chiếm 28%, nam 72%. Về nguyên nhân lây nhiễm, 63% lây nhiễm qua đường tình dục, 23% qua đường máu, 2% mẹ truyền sang con và 12% chưa rõ nguyên nhân. PGS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cảnh báo: "Tình dục vẫn đang là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. Điều này cũng cảnh báo dịch HIV đang lây lan ra cộng đồng, nếu không triển khai đồng bộ các biện pháp thì khó có thể kiểm soát".

Theo các chuyên gia về HIV/AIDS, điều lo ngại hiện nay là chưa kiểm soát đầy đủ số liệu phát hiện các ca mắc HIV mới trong cộng đồng để phòng tránh lây lan. Nguyên nhân chính là yếu tố "3 không" từ phía người dân: không biết bị nhiễm HIV, không điều trị, không phòng ngừa. Trong khi đó, thời gian qua, kinh phí từ các nguồn viện trợ quốc tế cho hoạt động xét nghiệm, phòng chống phát hiện sớm HIV bị cắt giảm có thể ít nhiều ảnh hưởng đến việc xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV. Tại nhiều địa phương, việc phát hiện người nhiễm HIV hoàn toàn vô tình thông qua hệ thống bệnh viện khi các bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và mắc các bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch, bệnh lao, bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục hoặc xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai.

"Nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục ngày càng cao, chiếm tỉ trọng chính trong đường lây truyền HIV. Trong đó, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục với nam), đặc biệt nhóm thanh niên khá cao, là cảnh báo quan trọng về nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm này và nguy cơ lây truyền ra cộng đồng" - ông Long khuyến cáo thêm.

Trước tình hình trên, để khống chế dịch bệnh HIV/AIDS gia tăng nhanh, nhất là ở các khu vực vùng cao, miền núi, Bộ Y tế cho biết sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, kết hợp triển khai các liệu pháp điều trị mới. Trên cơ sở phối hợp với ngành y tế, Ủy ban Dân tộc cũng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia hoạt động phòng chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và chống tái trồng cây có chứa chất ma túy giai đoạn 2018-2020.

HIV/AIDS bủa vây vùng cao: Ngăn chặn bằng cách nào?
Phương pháp điều trị bằng thuốc ARV đang được áp dụng tại các vùng cao, miền núi

Kỳ vọng thuốc ARV

Một trong những liệu pháp kỳ vọng ngăn chặn HIV/AIDS hoành hành mà Bộ Y tế đưa ra đó là liệu pháp điều trị thuốc ARV. Tính đến tháng 6-2018, hơn 129.000 bệnh nhân đã được điều trị ARV, chiếm gần 60% số người nhiễm HIV được phát hiện.

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho rằng trước đây, nhiều người gọi HIV là "căn bệnh thế kỷ", nếu nhiễm HIV thì coi như "mang án tử" nhưng nay, với việc sử dụng thuốc ARV, nó được coi là căn bệnh mạn tính. Thực tế điều trị cho thấy người nhiễm HIV vẫn hoàn toàn có thể có cuộc sống như bình thường, cải thiện sức khỏe, kéo dài tuổi thọ nếu sử dụng thuốc ARV theo phác đồ. Đó là nếu người bị nhiễm HIV được xác định sớm và điều trị ngay, điều trị đúng phác đồ bằng thuốc ARV, sau 3 tháng tuân thủ điều trị, nồng độ virus HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người nhiễm khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp. "Khi đã điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, HIV sẽ bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm đến mức khi cho bệnh nhân làm xét nghiệm đo tải lượng HIV không còn phát hiện. Như vậy, người bệnh đã khỏe mạnh như người không bị nhiễm HIV và không còn lây nhiễm HIV cho người khác" - ông Cảnh khẳng định.

Ngoài điều trị ARV, việc điều trị nghiện bằng thuốc Methadone cũng đã được triển khai tại tất cả 63 tỉnh, thành với hơn 300 cơ sở điều trị cho 52.921 bệnh nhân. Ông Nguyễn Hoàng Long thông tin thêm dự kiến trong năm 2019, tiếp tục thí điểm triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine tại 3 tỉnh Lai Châu, Nghệ An và Điện Biên. Đây là chất đồng vận bán phần với các chất dạng thuốc phiện, có tác dụng và hiệu quả điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn. Theo báo cáo của nhiều nước trên thế giới, phương pháp này có hiệu quả đáng ghi nhận trong việc giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, giảm nguy cơ quá liều do sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị.

Dù vậy, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, trở ngại lớn nhất ở chỗ các liệu pháp trên là điều trị ngoại trú và điều trị suốt đời nên người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để bảo đảm hiệu quả và tránh kháng thuốc. Với việc địa bàn, điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức chăm sóc sức khỏe của người dân ở vùng núi, nhất là bà con dân tôc thiểu số thì đây là trở ngại không nhỏ. 

86% người nhiễm HIV đã có BHYT

Theo Bộ Y tế, hiện nay, nhiều tỉnh đã cân đối ngân sách của địa phương để mua BHYT cấp cho người nhiễm HIV. Dù vậy, tỉ lệ tham gia BHYT của người nhiễm HIV mới đạt 86%, trong khi vẫn còn nhiều bệnh nhân không tham gia BHYT vì sợ bị phân biệt, kỳ thị đối xử do lộ danh tính; ngại chờ đợi khi phải khám BHYT... Một số người, nhất là người dân tộc thiểu số, do thiếu giấy tờ tùy thân hoặc thông tin trên các giấy tờ có sự khác biệt nên không đủ điều kiện tham gia BHYT.

Theo Ngọc Dung (Nld.com.vn)

Nổi bật