Đây là ca đầu tiên ở Việt Nam ghi nhận ma túy đá gây ra xuất huyết não ở người trẻ tuổi. Theo lời kể của người nhà, ngay sau khi hít ma túy đá, bệnh nhân đau đầu, buồn nôn và đã được đưa đến bệnh viện tỉnh. Kết quả chụp CT cắt lớp cho thấy bệnh nhân có xuất huyết não, phù não rất nặng và đã được chuyển đến và điều trị tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có dương tính với các loại ma túy tổng hợp, trong đó đặc biệt là melaphatamine, tức là ma túy đá.
Trao đổi với PV, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết dưới góc độ y tế, ma tuý đá gây ra những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe. Về thần kinh và tâm thần, ma tuý đá gây kích động, kích thích, vật vã, co giật, hoang tưởng, ảo giác mà chúng ta thường gọi là "ngáo đá", gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Về tim mạch có thể gây tăng huyết áp, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp, có thể tử vong trước khi tới viện.
Nhồi máu cơ tim với người sử dụng ma tuý đá là loại nhồi máu cơ tim nặng nhất và phức tạp nhất hiện nay, nhồi máu ở nhiều vị trí cùng lúc, diễn biến rất nặng nề và rất khó điều trị, dễ gây tử vong.
Ma túy đá còn gây co thắt mạch máu mạnh, dữ dội, gây ra các tổn thương khác như xuất huyết não, nhồi máu não, gây nhồi máu màng treo ở ruột, gây rối loạn đông máu, suy thận, tăng thân nhiệt…
Theo bác sĩ Nguyên, ngày càng có quá nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng dưới nhiều loại thuốc, trò chơi, đồ tiêu khiển mà người dùng không dễ nhận biết. Đặc biệt, nhóm đối tượng học sinh phổ thông thuộc nhóm có nguy cơ rất cao, rất dễ bị lôi kéo sử dụng các loại ma túy. Vì thế, các bậc phụ huynh cần để mắt tới con trẻ, kịp thời phát hiện những bất thường, phòng nguy cơ con trẻ bị dụ dỗ dùng các chất gây nghiện nguy hiểm.
Theo PV (Ngaynay.vn)