Thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện các clip chia sẻ cách kiểm tra sức khỏe lá phổi. Theo đó, bạn chỉ cần hít sâu rồi nín thở và đếm thời gian. Nếu bạn nín thở qua 30 giây chứng tỏ sức khoẻ tim phổi của mình tốt.
Những clip này thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn bình luận. Một số tài khoản tự bịt mũi, nín thở để đánh giá phổi của mình rồi kêu gọi mọi người làm theo. Để đo lường thời gian nín thở, người thực hiện clip còn kèm theo đồng hồ bấm giờ và khẳng định "nín thở càng lâu chứng tỏ phổi của bạn càng khỏe".
Chủ tài khoản Tiktok N.M.D chia sẻ anh tập theo hướng dẫn trên mạng và vẫn tự kiểm tra sức khỏe phổi bằng cách này. Qua thời gian kiểm tra, anh D. nhận thấy mình đều đạt 30 giây, thậm chí có thể lên tới hơn 40 giây.
Tuy nhiên, nhiều thành viên bình luận họ đã làm theo thử thách nhưng không thành công. Ví dụ, chủ tài khoản T. chia sẻ: “Làm được 2 lần qua 30 giây, tới lần thứ 3 thì ù tai, xém chút là tắt thở”.
Theo Tuổi Trẻ, trên Tiktok, không ít tài khoản cá nhân trong trang phục áo blouse trắng cũng hướng dẫn người dân kiểm tra phổi khỏe bằng cách nín thở.
Với nickname xưng là bác sĩ P.H.S., tài khoản này nói: "Để kiểm tra phổi của bạn có hoạt động tốt hay không, bạn hãy nín thở cùng tôi và comment thời gian mà bạn đạt được nhá". Thời gian nín thở mà người này thực hiện được là 50 giây.
Cũng tò mò muốn biết phổi của mình ra sao sau hai lần nhiễm COVID-19, chị B.N. (30 tuổi) xem và nhịn thở theo những clip hướng dẫn trên.
Nín thở được giây thứ 20, chị N. cảm thấy rất khó chịu, ngột ngạt nên phải thở trở lại ngay lập tức. "Không thấy phổi khỏe đến đâu nhưng nếu nín thở thêm thì không chịu nổi", chị N. chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Duy Cường - phó trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) - khẳng định kiểm tra phổi bằng cách nín thở không có ý nghĩa và hoàn toàn không đúng về mặt y khoa. Để kiểm tra phổi một bệnh nhân, các bác sĩ sẽ thực hiện đo công năng đường thở, dung tích phổi...
Bác sĩ Cường cho hay, theo sinh lý hô hấp, nhịp thở (hít vào - nín thở - thở ra) trung bình của chúng ta là 20 lần/phút. Như vậy, trung bình mỗi nhịp thở kéo dài 3 giây và tính riêng thời gian nín thở thường kéo dài 1 - 1,5 giây.
Việc nín/ngưng thở kéo dài cần phải có quá trình tập luyện, phù hợp cho những đối tượng như vận động viên, bộ đội, thợ lặn... Trước khi tập ngưng thở thì phải hít thở sâu để cơ thể có đủ một lượng ôxy để duy trì hoạt động của phổi trong thời gian này.
"Hiện chưa có khuyến cáo nhịn thở bao nhiêu giây là thích hợp. Một thanh niên trưởng thành có thể nhịn thở dưới 1 phút, nhưng điều này chưa chứng minh được phổi khỏe hay không", bác sĩ Cường chia sẻ trên Tuổi Trẻ.
Tương tự, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định việc tự kiểm tra sức khỏe lá phổi của mình bằng cách nín thở là không phù hợp nên người dân không nên làm theo. Đặc biệt, người có bệnh mạn tính làm theo cách này có thể nguy hiểm, gây thiếu oxy cho phổi.
Việc kiểm tra chức năng của phổi phải dựa trên đánh giá toàn diện, đo chức năng hô hấp do các bác sĩ chuyên khoa hô hấp chẩn đoán mới chính xác.
Các bác sĩ cảnh báo, với những người mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh lý mạch vành, hoặc người bị suy hô hấp mãn tính nặng, người có nguy cơ bị đột quỵ, hoặc phụ nữ đang mang thai, người vừa trải qua đợt phẫu thuật... thì tuyệt đối không nên áp dụng phương pháp nín thở này.
Để lá phổi được khỏe mạnh, cách tốt nhất là ngưng hút thuốc lá, tránh khói thuốc thụ động, đeo khẩu trang khi ra ngoài để phòng tránh bụi, ô nhiễm không khí. Ngoài ra, không gian sống cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng.
Tập thể dục thường xuyên là cũng cách giúp bạn có cơ thể săn chắc và phổi được rèn luyện, giúp thời gian nín thở tốt hơn. Bởi khi tập luyện, lá phổi sẽ trao đổi khí mạnh mẽ hơn, giúp cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn.
PN (Nguoiduatin.vn)