Bệnh viện Vạn Phúc 2 (tỉnh Bình Dương)cho biết, nơi đây vừa phẫu thuật lấy vòng tránh thai và sỏi từ bàng quang của chị Lê Thùy D. (34 tuổi, quê quán tại Cà Mau).
Trước đó, chị D cho biết có dấu hiệu bất thường về tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu rắt và đau bụng. Đến khi đi khám, chị được phát hiện sỏi bàng quang to bằng ngón chân cái (hơn 2,2 cm) bao quanh một nhánh của vòng tránh thai chữ T.
Nữ bệnh nhân kể vòng tránh thai được đặt đến nay hơn 8 năm. Khi thăm khám tại một cơ sở y tế địa phương và được tư vấn vòng tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe, chị chủ quan và những lần sau số lần thăm khám ít đi.
Tại bệnh viện tiếp nhận chị D., bệnh nhân được ghi nhận trong tình trạng tiểu khó, đau bụng vùng hạ vị. Qua thăm khám kết hợp siêu âm, chụp phim X-quang bác sĩ chẩn đoán sỏi cản quang. Nhánh chữ T của vòng tránh thai đâm xuyên thành bàng quang, một phần của vòng chữ T nằm trong ổ bụng.
Người bệnh được chỉ định mổ nội soi tán sỏi bàng quang và lấy vòng tránh thai qua ngả bàng quang. Kết quả ca phẫu thuật thành công lấy hết sỏi và lấy vòng trọn vẹn qua ngả bàng quang.
Sau khi được lấy vòng ra, sức khỏe của chị D. ổn định, phục hồi tốt và hiện đã được xuất viện.
Bác sĩ Phạm Tuấn Thanh, Giám đốc bệnh viện điều trị cho bệnh nhân chia sẻ, với người bệnh trên, một nhánh vòng tránh thai đâm xuyên thành bàng quang và giữ lại tại đó. Qua nhiều năm đã hình thành sỏi trong bàng quang gây ra các rối loạn của đường tiết niệu.
"Phụ nữ khi đặt vòng tránh thai nên thăm khám định kỳ 6 tháng/lần và thay vòng đúng hạn 5 năm để không có những biến chứng tương tự như trường hợp trên.
Thông thường, việc vòng tránh thai rơi ra ngoài hay vào ổ bụng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, trường hợp vòng di chuyển đến bàng quang thì rất hiếm" - bác sĩ phân tích.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)