Hậu COVID-19: Những dấu hiệu cần đi khám bác sĩ

20/03/2022 22:46:16

Các bệnh lý hậu COVID đang là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi lẽ ở bệnh nhân sau nhiễm COVID có rất nhiều các triệu chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất người bệnh. Thời điểm nào, dấu hiệu nào nên đi khám hậu COVID-19 được các bác sĩ khuyến cáo chi tiết.

Hậu COVID-19: Những dấu hiệu cần đi khám bác sĩ

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Thảo, Phó trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết các triệu chứng hay gặp nhất bao gồm:

Rối loạn tâm thần kinh: Bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động, khó ngủ hoặc ngủ ít; Nặng đầu, giảm trí nhớ; Mệt mỏi, chân tay lạnh, đổ mồ hôi trộm.

Tổn thương tim và mạch máu: Nhịp nhanh, rối loạn nhịp tim. Nguy hiểm hơn là viêm cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim, hình thành cục máu đông gây tắc mạch vành, nhồi máu cơm tim và suy tim; Di chứng mạch máu phổ biến nhất là đông máu gây huyết khối làm thuyên tắc phổi, đột quỵ não.

Hô hấp: Khó thở, hụt hơi; Viêm phế quản phổi.

Theo bác sĩ Thảo, nhiều trường hợp bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID nhưng đến khám muộn làm tình trạng thêm nặng nề, tăng tỉ lệ nhập viện, đặc biệt ở nhóm có bệnh lí nền như bệnh tim mạch, hô hấp, bệnh thần kinh, cơ xương khớp, nội tiết… Vì thế bác sĩ khuyến cáo sau khi khỏi bệnh, nếu có một trong số các triệu chứng sau, người bệnh nên đi khám hậu COVID: Sốt nhẹ, khó thở, tức ngực, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, rối loạn nhịp tim, rối loạn tiêu hóa, huyết áp không ổn định, rụng tóc… Đặc biệt, với những người bệnh có bệnh lí nền mà mắc một trong các dấu hiệu trên thì phải đến bệnh viện để khám ngay.

Các bác sĩ khuyến cáo để giảm tỉ lệ nhập viện do hậu COVID gây ra, người dân nên chủ động khám sức khỏe trong vòng 1 - 3 tháng đầu sau khi khỏi bệnh.

Cần phải đi khám ngay sau khi khỏi bệnh với nhóm sau:

+ Có bệnh lý nền

+ Tuổi > 60 tuổi

+ Khi mắc bệnh COVID đã từng phải điều trị tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực

+ Các đối tượng khác nhưng có các triệu chứng nặng nề hoặc bất thường phải đi khám ngay.

“Tùy từng trường hợp cụ thể mà sau khi khám xong, bác sĩ sẽ cho chỉ định làm các xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán, tránh lãng phí các thăm dò không thực sự cần thiết cho người bệnh. Thông thường sẽ cho người bệnh làm xét nghiệm cơ bản như: máu, nước tiểu, điện tim, chụp X-quang tim phổi, Siêu âm tim và một số thăm dò sâu hơn nếu cần thiết (ví dụ cắt lớp phổi…)”, bác sĩ Thảo nói.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết nhu cầu xét nghiệm ở những bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19 cấp tính được xác định bởi mức độ nghiêm trọng và kết quả xét nghiệm bất thường trong thời gian bệnh cấp tính và các triệu chứng hiện tại của họ. Hầu hết các bệnh nhân có xét nghiệm bất thường tại thời điểm chẩn đoán đều cải thiện trong quá trình hồi phục. Đối với hầu hết bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19 cấp tính nhẹ, không cần xét nghiệm.

Đối với những bệnh nhân đang hồi phục sau bệnh nặng, những bệnh nhân đã xác định được những bất thường, những bệnh nhân đã xuất viện hoặc những người có các triệu chứng tiếp tục không giải thích được, cần làm các xét nghiệm sau:

- Công thức máu.

- Sinh hoá máu: điện giải, urê máu và creatinine máu; chức năng gan, albumin.

- Các xét nghiệm chuyên sâu khác:

+ NT-proBNP, troponin ở những bệnh nhân có diễn tiến phức tạp do suy tim hoặc viêm cơ tim hoặc những người có các triệu chứng tim có thể do viêm cơ tim (ví dụ: khó thở, tức ngực, phù).

+ D-dimer ở bệnh nhân khó thở dai dẳng hoặc mới khó thở không giải thích được hoặc ở bất kỳ bệnh nhân nào có lo ngại về bệnh huyết khối tắc mạch.

+ Xét nghiệm tuyến giáp ở những người mệt mỏi hoặc suy nhược không rõ nguyên nhân.

+ Creatinine kinase ở những bệnh nhân bị suy nhược hoặc căng cơ.

+ Không theo dõi các thông số đông máu (ví dụ, fibrinogen, các sản phẩm giáng hoá fibrinogen, thời gian thromboplastin hoạt hóa, INR và D-dimer) hoặc các dấu hiệu viêm (ví dụ: tốc độ máu lắng, protein phản ứng C, ferritin, interleukin-6 ).

+ Xét nghiệm COVID-19 và huyết thanh học - không thường xuyên xét nghiệm lại SARS-CoV-2 đang hoạt động tại thời điểm đánh giá bệnh nhân ngoại trú theo dõi.

- Không cần xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính.

Ngoài ra, tuỳ vào mức độ nặng mà các bác sĩ sẽ yêu cầu làm điện tim, chụp X-quang phổi, cắt lớp vi tính phổi, siêu âm tim, đo chức năng hô hấp, khí máu động mạch, test đi bộ 6 phút.

Theo bác sĩ Hoàng Bùi Hải, thời gian để giải quyết triệu chứng dường như phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ mắc bệnh trước đó cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh cấp tính và các triệu chứng mà bệnh nhân trải qua. Những bệnh nhân cần nhập viện, những bệnh nhân lớn tuổi với các bệnh nền, những bệnh nhân đã trải qua các biến chứng y khoa (ví dụ: viêm phổi do vi khuẩn bội nhiễm, huyết khối tĩnh mạch) và những bệnh nhân phải nằm viện hoặc hồi sức tích cực kéo dài sẽ cần có một đợt hồi phục dài hơn.

Bệnh nhân nhập viện (COVID-19 trung bình đến nặng) có các triệu chứng trong ít nhất 2 tháng và thậm chí lâu hơn (lên đến 12 tháng) sau khi xuất viện (với tỷ lệ 52% - 87%).

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy rằng ngay cả những bệnh nhân mắc bệnh ít nghiêm trọng hơn chưa bao giờ nhập viện, bao gồm cả những bệnh nhân tự báo cáo COVID-19, cũng báo cáo các triệu chứng kéo dài và dai dẳng.

Nói chung, thời gian phục hồi các triệu chứng ngắn hơn (khoảng 2 tuần) đối với những người bị bệnh nhẹ và thời gian phục hồi lâu hơn (từ 2 - 3 tháng hoặc lâu hơn) đối với những người bệnh nặng hơn.

Theo Hà Minh (Tiền Phong)

Nổi bật