Bệnh nhân mắc sởi tăng nhanh
Trong năm 2018, các cơ sở y tế ở miền Bắc ghi nhận hơn 5.000 ca sốt phát ban nghi mắc sởi, tăng 17 lần so với năm 2017. Những ngày gần đây, số bệnh nhân sởi nhập viện có xu hướng tăng, trong đó có nhiều người lớn.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, trong thời gian ngắn, khoa tiếp nhận hàng chục trường hợp mắc sởi ở người lớn.
Vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, khoa chỉ tiếp nhận khoảng 10 trường hợp người lớn mắc sởi nhưng chỉ trong 2 ngày 9-10/1, khoa đã tiếp nhận đến 8 ca, nhiều trường hợp nặng, một số có biến chứng, trong đó có 2 thai phụ do chưa tiêm phòng.
Với thai phụ mắc sởi, PGS Cường cảnh báo nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác.
Trường hợp chị Nguyễn T.T.H. (30 tuổi ở Sơn Tây, Hà Nội) đang mang thai ở tuần 36 cho biết, chị bị sốt cao 2 ngày, được chuyển đến BV Bạch Mai điều trị do mắc sởi. Sau nhập viện, chị H. bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban ở mặt và người, hiện đã xuất hiện biến chứng viêm phế quản nên thai phụ đang được theo dõi chặt.
Thai phụ còn lại là chị Nguyễn T.T. (37 tuổi, Từ Sơn, Bắc Ninh), mang thai 24 tuần. Cách đây 1 tuần, chị T. sốt cao, sau đó toàn thân xuất hiện ban đỏ, đến khi đi khám mới biết mình mắc sởi. Do thai phụ đã chuyển đau mắt, chảy nước mặt nhiều, phát ban lan xuống thân mình, ngực, lưng... nên bác sĩ chỉ định nhập viện để điều trị và theo dõi.
PGS Cường cảnh báo, mùa đông xuân thời tiết lạnh và ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus sinh sôi và phát triển, trong đó có virus sởi. Hiện không chỉ sởi mà nhiều dịch bệnh như cúm, thủy đậu, quai bị... cũng xuất hiện trong thời tiết lạnh, ẩm.
“Trong y văn đã nhận định, chu kỳ bệnh sởi thường từ 4-5 năm. Tính từ đợt dịch năm 2014 thì đã đến chu kỳ này rồi. Năm nay số ca mắc sởi đã tăng lên”, PGS Cường cảnh báo.
30% trẻ em có biến chứng sởi
Theo PGS Cường, không chỉ trẻ em, bất cứ ai chưa có miễn dịch, chưa được tiêm phòng, chưa có miễn dịch đều có thể mắc sởi.
Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh thường bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy...
Sau sốt 3 - 4 ngày, người bệnh bị phát ban đầu tiên mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân... Sau đó ban bắt đầu bay, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì.
Người dân cần phân biệt bệnh sởi với ban do dị ứng (phát ban từng mảng, dạng mề đay, ngứa) và phát ban trong các bệnh khác (như tinh hồng nhiệt, nhiễm trùng...).
Một số trường hợp kết mạc mắt đỏ, khám họng thấy có chấm trắng trong niêm mạc miệng (hạt Koplick). Người bệnh thường ăn kém, mệt mỏi, trẻ em quấy khóc...
Sởi thường diễn biến tự khỏi, tuy nhiên có thể có khoảng 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng như viêm phế quản- phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng...
Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà người bệnh vẫn còn sốt.
Đến nay, điều trị sởi chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ, giảm triệu chứng. Dùng các thuốc hạ sốt, bù dịch, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thân thể.
“Người dân cần thay đổi quan niệm là mắc sởi cần phải kiêng nước, kiêng gió. Sau khoảng 1-2 tuần, thường bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn”, PGS Cường nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vắc xin 3 trong 1 (sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.
Với trẻ em, độ tuổi tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi, nhắc lại mũi 2 khi trẻ 18 tháng.
Tuy nhiên, thực tế mấy năm qua cho thấy, nhiều trẻ mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm chủng, tức là dưới 9 tháng tuổi. Do vậy, Bộ Y tế đang nghiên cứu để có thể đưa ra quyết định tiêm sớm vaccine sởi từ khi trẻ 6 tháng tuổi.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)