Hàng loạt bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng hậu Covid-19
Đã gần một năm kể từ khi Michael Reagan, 50 tuổi, mắc bệnh Covid-19.
"Buổi sáng hôm ấy, tôi tỉnh giấc, cảm thấy nóng rát họng và khó thở. Tôi vào phòng tắm cố gắng lấy lại hơi thở và ngay lập tức tôi ho ra máu vào bồn rửa. Quá hốt hoảng, tôi đã đến bệnh viện vào ngày hôm đó và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2", anh nhớ lại vào sáng ngày 22/3/2020.
Reagan cho biết, anh đã trải qua 2 tháng sống trong và ngoài bệnh viện vào mùa xuân năm ngoái với những triệu chứng cấp tính của bệnh Covid-19. Những gì đã trải qua thực sự rất tồi tệ nhưng các triệu chứng hiện tại cũng tồi tệ chẳng kém. Anh liên tục bị đau ở ngực, đau dây thần kinh ở tay chân, co giật, run và mất thị lực hoàn toàn ở một bên mắt.
"Tôi như người luôn trong một chuyến tàu lượn siêu tốc" bởi các triệu chứng mới, liên tục phải gặp bác sĩ, làm bạn với thuốc men và xét nghiệm.
"Tôi nhận ra rằng tôi đã phải chịu rất nhiều thiệt hại từ Covid-19 và nó đã thay đổi cuộc đời tôi hoàn toàn", Michael Reagan chia sẻ. Anh đã gần như phải từ bỏ hoàn toàn cuộc sống năng động mà mình tận hưởng trước đây.
Không giống như Reagan, Stephanie Condra (34 tuổi) bị bệnh Covid-19 vào mùa hè năm ngoái, cô ấy không phải nhập viện. Các triệu chứng của cô tương đối nhẹ: mệt mỏi, khó thở, đau dạ dày, chuột rút và sốt nhẹ.
Tuy nhiên, sau khi điều trị khỏi các triệu chứng bệnh cấp tính, Condra nói rằng cô ấy bắt đầu phát triển một loạt các vấn đề sức khỏe, dường như nặng hơn và cơ thể suy yếu nhưng không thực sự rõ ràng: đau xoang khủng khiếp, buồn nôn và chán ăn, mệt mỏi thấu xương, chóng mặt, cảm giác nóng ran ở ngực, ho khan, hội chứng "sương mù não", lú lẫn, các vấn đề về khả năng tập trung và các vấn đề trong sử dụng ngôn ngữ.
"Các triệu chứng của tôi không ngừng phát triển. Tôi gặp các triệu chứng giống nhau lặp đi lặp lại, kiểu như một triệu chứng biến mất thì sau đó xuất hiện triệu chứng khác", Stephanie Condra nói.
Vào đầu năm 2021, Condra nhận thấy mình bắt đầu khỏe hơn. Nhưng sự phục hồi vô cùng chậm chạp, cho đến hiện tại có thể nói là bị ngưng trệ. "Tôi thực sự chỉ có thể hoạt động trong khoảng thời gian có thể, gần như 4 giờ mỗi ngày".
Hơn 1 năm sau khi dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, những gì đã trở nên rõ ràng là SARS-CoV-2 - loại vi-rút gây ra Covid-19 là một loại vi-rút khôn lanh. Một số người không hề biết rằng họ đã bị nhiễm bệnh, trong khi những người khác phải nhập viện và một số người bị tử vong. Ngày càng có nhiều người bị bệnh và sau đó không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Các biến chứng và hệ lụy lâu dài của nó với bệnh nhân vẫn là ẩn số.
Chúng ta đang học được những gì từ dịch Covid-19?
Không ai chắc chắn bao nhiêu phần trăm những người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ phát triển hội chứng hậu Covid-19. Một công trình nghiên cứu mới được công bố hôm thứ Sáu trên tạp chí JAMA Network Open đang làm sáng tỏ điều này. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington đã theo dõi 177 người bị nhiễm SARS-CoV-2 được phòng thí nghiệm xác nhận trong 9 tháng - thời gian theo dõi lâu nhất cho đến nay. Đáng chú ý, nhóm này gồm 150 bệnh nhân ngoại trú, mắc bệnh "nhẹ" và không phải nhập viện.
Họ phát hiện ra rằng 30% người được hỏi cho biết các triệu chứng dai dẳng. Phổ biến nhất là mệt mỏi và mất khứu giác hoặc vị giác. Hơn 30% người được hỏi cho biết chất lượng cuộc sống kém hơn so với trước khi mắc bệnh. 8% người tham gia - bao gồm 9 người chưa nhập viện - cho biết họ gặp khó khăn khi thực hiện ít nhất một hoạt động thông thường, chẳng hạn như công việc hàng ngày.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận, 57,8 triệu trường hợp trên toàn thế giới, "ngay cả một tỷ lệ nhỏ do suy nhược lâu dài cũng có thể gây ra những hậu quả to lớn về sức khỏe và kinh tế". Hiện có hơn 110 triệu trường hợp trên toàn thế giới, theo dữ liệu mới nhất do Đại học Johns Hopkins tổng hợp.
Một nghiên cứu lớn hơn nhiều, được công bố vào đầu tháng 1 trên tạp chí The Lancet, cho thấy trong số 1.733 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 được điều trị tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, 76% vẫn gặp ít nhất một triệu chứng sau 6 tháng kể từ khi các triệu chứng của họ bắt đầu. Nhưng nhóm này hoàn toàn gồm những bệnh nhân phải nhập viện.
Điều trị Covid-19 là một con đường dài và còn nhiều khó khăn
Trung tâm Chăm sóc Hậu phẫu tại Hệ thống Y tế Mount Sinai, ở Thành phố New York, là trung tâm đầu tiên điều trị hậu Covid-19. Cho đến nay, trung tâm đã tiếp nhận hơn 1600 bệnh nhân - bao gồm cả Reagan và Condra - và phải đợi hàng tháng trời mới có được cuộc hẹn với bác sĩ.
"Rất khó để đoán được ai sẽ mắc những triệu chứng này," bác sĩ Zijian Chen, giám đốc y tế, nói với phóng viên của CNN trong cuộc phỏng vấn vào mùa hè năm ngoái. "Những bệnh nhân mà chúng tôi đang khám tại trung tâm thuộc mọi chủng tộc. Họ trải qua độ tuổi từ những năm 20 đến 70 và 80, bao gồm cả nam và nữ, phân bổ đều. Ngay cả những người bị bệnh nhẹ, khỏe mạnh ngay từ đầu cũng không có gì đảm bảo tránh khỏi các triệu chứng dai dẳng của hậu Covid-19", vị chuyên gia này khẳng định.
"Tôi cho rằng nếu bạn đã có bệnh từ trước, thì việc nhiễm virus có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đó. Nhưng một lần nữa, chúng tôi cũng thấy những bệnh nhân trước đây khỏe mạnh, mắc bệnh tương đối nhẹ vẫn khó tránh khỏi nguy cơ bị các triệu chứng hậu Covid-19 tấn công". Ông cho rằng, tuổi tác cũng không phải là một yếu tố tiên đoán.
Một khía cạnh khó hiểu khác của hội chứng hậu Covid là một loạt các vấn đề sức khỏe dường như là ngẫu nhiên mà một số bệnh nhân phải đối mặt.
TS Christian Sandrock là giáo sư y khoa chuyên phổi và các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y UC Davis, ở Sacramento, California. Ông cũng là một trong những bác sĩ đánh giá bệnh nhân tại phòng khám sau điều trị bệnh Covid-19, cho biết: "Khi xem xét các triệu chứng kéo dài, chúng tôi nhận thấy phổ biến nhất là mệt mỏi, thờ ơ và rối loạn giấc ngủ - chiếm đến hơn 50% các triệu chứng hậu Covid-19. Ngoài ra, mất vị giác, khứu giác, khó thở, đau ngực là những triệu chứng cụ thể hơn cũng có nhiều người mắc phải", chuyên gia nói.
Nhiều bệnh nhân có nhiều triệu chứng và các triệu chứng có thể đến và biến mất.
Sandrock phân loại các triệu chứng thành nhiều nhóm. Các vấn đề như đau ngực, khó thở và viêm tim được xếp vào nhóm bệnh tim mạch. Đau ngực và khó thở, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, có thể thuộc nhóm hô hấp, cũng như giảm khả năng tập thể dục và bất thường chức năng phổi. Ông xếp phát ban, rụng tóc và thậm chí rụng răng vào danh mục da liễu. Nhóm bệnh thần kinh bao gồm mất khứu giác và vị giác, rối loạn điều hòa giấc ngủ, thay đổi nhận thức và suy giảm trí nhớ. Trầm cảm, lo lắng và thay đổi tâm trạng, tất cả đều thuộc nhóm bệnh tâm thần...
Về nguyên nhân gây ra các triệu chứng đó, Sandrock chỉ ra một số thủ phạm. Một số có thể do biến chứng của việc nằm viện kéo dài hoặc ICU. Một số có thể bị kích hoạt bởi bệnh vi mạch - tổn thương các mao mạch, mà Sandrock nói là nguyên nhân gây ra nhiều triệu chứng, từ đau ngực đến "ngón chân co cứng", mệt mỏi và thậm chí là "sương mù não". Một số triệu chứng có thể do phản ứng tự miễn dịch gây ra bởi mức độ viêm cao, chẳng hạn như đau nhức khớp và cơ thể, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và mệt mỏi. Và một số có thể là do virus lây nhiễm trực tiếp, chẳng hạn như mất khứu giác hoặc vị giác.
Về việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Sandrock nói, phương pháp mang tính cá nhân hóa, phụ thuộc vào các triệu chứng và nguyên nhân cơ bản của những triệu chứng đó.
"Điều trị cần được tùy chỉnh cho từng người. Chúng tôi phải thực sự dành thời gian để xem những gì bệnh nhân của chúng tôi cần. Một số người trong số họ - họ thực sự chỉ bị đau ngực, khó thở và mức oxy thấp, và trong trường hợp đó chúng tôi có thể quản lý được điều đó. Một người khác có thể bị sương mù não, khó tập trung và rối loạn giấc ngủ".
Nó có thể liên quan đến việc giới thiệu đến các chuyên gia khác, thuốc và phục hồi chức năng. Ông nói: Các loại thuốc như thuốc điều hòa miễn dịch, thuốc chống viêm, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta hoặc steroid. Phục hồi chức năng, chẳng hạn như phục hồi chức năng nhận thức, phổi và tim. Nghiên cứu giấc ngủ để tìm ra nguyên nhân vì sao bị rối loạn giấc ngủ...
Nhưng điều quan trọng không kém đó là tinh thần của bệnh nhân. Bởi gặp phải các triệu chứng này, đa số họ đều căng thẳng và tuyệt vọng. "Chúng tôi muốn mọi người thật sự kiên nhẫn và hiểu rằng chữa trị cho căn bệnh này là quá trình dài. Chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để vượt qua nó. Tôi nghĩ đây mới chính là chìa khóa", chuyên gia nói thêm.
TS Dayna McCarthy, một thành viên trong nhóm tại Trung tâm chăm sóc sau sinh sản Mount Sinai, cũng đồng ý rằng bệnh nhân phải điều chỉnh kỳ vọng của họ về bản thân và sống chậm lại.
Nghiên cứu thêm về Covid-19 là điều cần thiết
Cả Sandrock và McCarthy đều nói rằng cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về hội chứng hậu Covid-19, bao gồm cả những người mắc hội chứng này và các phương pháp điều trị tốt nhất. Nhưng họ lạc quan về tương lai, khi tình trạng này đã được công nhận và "khoa học đang đi sát ngay sau nó" như McCarthy đã nói.
Sandrock cho biết ông rất vui mừng khi biết rằng Viện Y tế Quốc gia gần đây đã thông báo rằng họ sẽ cung cấp tài trợ nghiên cứu như một phần của sáng kiến "Di chứng cấp tính sau nhiễm trùng SARS-CoV-2 (PASC)".
Đối với Michael Reagan và Stephanie Condra, họ đang cố gắng hết sức có thể. "Mỗi ngày, tôi tự dặn mình phải luôn sống lạc quan và tích cực. Không phải lúc nào tôi cũng có thể kiểm soát được mình nhưng luôn dặn mọi chuyện rồi sẽ ổn. Tôi có một gia đình ở bên. Tôi có người bạn đời luôn động viên, hỗ trợ. Tôi có một công việc và đồng nghiệp luôn thấu hiểu. Tôi có những bác sĩ xuất sắc. Vì vậy, tôi cố gắng nhìn vào những điều tuyệt vời ấy để biết ơn và trân quý cuộc sống này hơn".
Còn với Condra, cô phải cố gắng kiềm chế những năng lượng tiêu cực xuất hiện mỗi ngày. "Tôi thực sự đã phải từ bỏ cảm giác kiểm soát của mình khi không biết khi nào điều này sẽ kết thúc đối với tôi. Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy biết ơn với những gì các bác sĩ dành cho mình để có thể tận hưởng cuộc sống mỗi ngày. Hiện tại, tôi lạc quan hơn trước rất nhiều nhưng có lẽ phải chờ đợi khá lâu mới có thể quay về như ban đầu được".
Theo Tiểu Nguyễn (Trí Thức Trẻ)