Theo lời kể của chị H., khoảng 11h đêm 8/5, sau khi kết thúc công việc thường ngày, chị trở về nhà và có cảm giác run vì lạnh, sau đó chị bị nôn liên tục. Nghĩ chị bị cảm nên người nhà đã bôi dầu, đánh gió cho chị. Tuy nhiên, tình trạng của chị H. càng lúc càng diễn tiến xấu hơn, chị H. không thể thở được. Lúc này mọi người bèn gọi xe đưa chị H. tới BV Bưu điện cấp cứu.
Trước đó, bệnh nhân cho biết có thực hiện tiêm truyền một số loại thuốc làm trắng da tại thẩm mỹ viện để chăm sóc sắc đẹp. Chị H. cũng đã kịp nhờ người nhà mang theo vỏ của 2 loại thuốc chị đã sử dụng.
Trước tình trạng của chị H. khi nhập viện, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu trực đêm đó nhận định: Đây là trường hợp sốc phản vệ, người bệnh rất dễ bị nặng thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ngay lập tức, chị H. được chỉ định tiêm và truyền Adrenalin liên tục theo đúng phác đồ xử trí phản vệ quy định tại thông tư 51 của Bộ Y tế về hướng dẫn chẩn đoán và xử trí phản vệ. Nhờ được can thiệp, xử trí kịp thời sức khỏe của chị H. dần ổn định. Từ chỗ huyết áp tụt (70/40mmHg) đến 8h sáng 9/5 đã ổn định ở mức 100/60mmHg, người bệnh đã hoàn toàn tỉnh táo, hết ban đỏ, hết khó thở, không còn rét run, huyết động ổn định.
Theo BS. Dương Vương Trung – Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bưu điện, bệnh nhân sẽ tiếp tục được truyền Adrenalin, theo dõi trong khoảng 48-72 giờ, nếu tình trạng hoàn toàn ổn định thì sẽ được xuất viện.
Nói về ca bệnh này, BS. Trung cho biết thêm, đây không phải là trường hợp bệnh nhân hiếm gặp của Khoa Hồi sức cấp cứu, nhất là hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của chị em ngày càng nhiều hơn.
"Đa số chị em thường tìm đến các cơ sở thẩm mỹ để nâng mũi, gọt cằm, nâng ngực, kích trắng da… theo sự quảng bá của các cơ sở này mà ít khi lựa chọn các bệnh viện hoặc các cơ sở được cấp phép. Những thẩm mỹ viện như vậy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của khách hàng. Bởi hầu hết các thẩm mỹ viện đều không có bác sĩ chuyên ngành cùng các trang thiết bị, thuốc men cần thiết để có thể xử trí kịp thời khi có tình huống không mong muốn hoặc sốc phản vệ với một số thành phần của các loại thuốc tiêm, truyền như đã xảy ra với trường hợp của chị H."- BS. Trung cảnh báo.
Tiêm truyền trắng da chưa được giới y học khuyến cáo sử dụng
Theo ThS.BS Vũ Thái Hà – Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương, hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về việc tiêm, truyền để làm da trắng sáng như nhiều trang mạng quảng cáo. Ở Mỹ cũng không khuyến cáo việc tiêm, truyền vào tĩnh mạch để làm trắng da, mà chỉ khuyên làm trắng da trong các trường hợp bệnh lý như bạch biến lan tỏa, hay trong các vấn đề thẩm mỹ có tăng sắc tố như rám má, tăng sắc tố sau viêm.... bằng thuốc bôi, hay laser.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và nhiều tổ chức quốc tế khác cũng chưa có nghiên cứu về truyền chất làm trắng da. Hai chất thường có trong các thành phần của công thức truyền trắng trên thị trường hiện nay mà có cơ chế tác động vào hình thành sắc tố rõ ràng là glutathion và vitamin C. Tuy nhiên, FDA không khuyến cáo làm trắng da bằng phương pháp này.
“Việc sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ, và một thuốc khi dùng toàn thân nhất là đường tĩnh mạch đều có thể gây các phản ứng nhất định như shock phản vệ. Một thuốc khi dùng toàn thân cũng phải được đánh giá tình trạng toàn thân nhất là chức năng gan thận"- ThS. Hà nói.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, chị em nên thận trọng khi quyết định lưa chọn thực hiện và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm làm đẹp. Không nên chạy theo trào lưu, tin tưởng hoàn toàn vào các quảng cáo theo kiểu truyền miệng hoặc sự lôi kéo của tập thể hoặc cá nhân nào đó. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều người trở thành nạn nhân của các cơ sở, thẩm mĩ viện không đủ tiêu chuẩn, thậm chí chưa được cấp phép hoạt động.
Ngoài ra, mỗi phụ nữ khi quyết định thực hiện các biện pháp làm đẹp nên lưu ý tìm hiểu kỹ các dịch vụ và sản phẩm mình lựa chọn. Nếu trong quá trình thực hiện mà nhận thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, cấp cứu kịp thời.
Theo Dương Hải (Sức Khỏe & Đời Sống)