Thông tin tại hội nghị y tế dự phòng 9 tháng đầu năm do Sở Y tế Hà Nội tổ chức cho thấy, đến ngày 23/10, toàn thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021 (2.627 ca mắc).
Hiện tất cả các quận/huyện/thị xã và 92% xã/phường/thị trấn ở Hà Nội đều ghi nhận ca bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng (hơn 950 ca mắc), Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.
Nói với VietNamNet chiều 27/10, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội - cho biết Hà Nội ghi nhận 12 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.
12 bệnh nhân này có địa chỉ tại các quận, huyện như: Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Đông, Phú Xuyên, Đan Phượng, Ba Đình và Long Biên.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng. Cả tháng 9, Trung tâm ghi nhận 160 ca mắc, từ đầu tháng 10 đến nay con số này là 250 ca. Các bệnh nhân ghi nhận đa số tại các huyện ngoại thành, như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức và quận Long Biên sau đó lan vào các quận nội thành như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện còn một số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang điều trị, tuy nhiên không có ca thở máy. Bệnh nhân vào viện khi đã có các dấu hiệu cảnh báo như thoát dịch, cô đặc máu, tụt huyết áp, xuất huyết nặng, tăng men gan cao... Trước đó, đơn vị này từng ghi nhận một số ca sốt xuất huyết tử vong có địa chỉ ở Hà Nội.
Sở Y tế Hà Nội nhận định trong năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019 – 2021. Hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động. Ông Khổng Minh Tuấn cảnh báo đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11, vì thế các địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, tư vấn điều trị cho các bệnh nhân.
Trên cả nước, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 270.000 ca mắc sốt xuất huyết, 108 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 87 trường hợp.
Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết, mức độ giảm tiểu cầu, theo các bác sĩ bệnh nhân cần xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150-450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10-20 G/L. Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) ghi nhận một số ca có tiểu cầu dưới mức 5G/L, thậm chí có bệnh nhân có tiểu cầu mức 0 (không đo được).
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai - khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt nên làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản để phát hiện sốt xuất huyết sớm.
Nếu đúng sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định.
Nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu, như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao…, bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Ngoài sốt xuất huyết, một số dịch bệnh ở Hà Nội có xu hướng tăng so với cùng kỳ 2021 như bệnh tay chân miệng (1.543 ca); liên cầu lợn (3 ca); viêm não Nhật Bản (4 ca); uốn ván (11 ca).
Theo Võ Thu (VietNamNet)