Gội đầu khuya, cô gái hoảng loạn nhìn miệng và mắt bị kéo lệch vào buổi sáng

04/05/2025 06:22:52

Gội đầu vào đêm rét nhưng nhà không có máy sấy tóc, Hương vẫn đi ngủ luôn. Sáng ngủ dậy, cô hoảng loạn thấy mặt bất ngờ biến đổi, miệng và mắt bị kéo lệch.

Nguyễn Thu Hương (sinh năm 1999) đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám vào tháng 4 vừa qua do liệt mặt. Hương cho biết, trong dịp ra Bắc ăn Tết Nguyên đán, cô đi chơi về và tắm gội rất muộn. Do nhà không có máy sấy tóc, Hương vẫn đi ngủ luôn.

Sáng ngủ dậy, khi đánh răng, cô cảm giác miệng khác lạ. Nhìn qua gương, cô hoảng loạn khi thấy mắt trái, miệng lệch sang 1 bên, uống nước vào cũng chảy ra ngoài.

“Tôi sợ đột quỵ và đã khóc gọi bố mẹ hỗ trợ. Khi lên tới bệnh viện tỉnh, bác sĩ chẩn đoán tôi bị liệt dây thần kinh và khuyên chuyển sang điều trị Đông y. Nguyên nhân do lần tắm gội đêm hôm trước", Hương kể lại.

Gội đầu khuya, cô gái hoảng loạn nhìn miệng và mắt bị kéo lệch vào buổi sáng
Tắm gội khuya không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Pexels

Tuy nhiên, sau nửa tháng, tình trạng của Hương vẫn không cải thiện, một bên mắt không thể nhắm, khi cười miệng méo.

Khi quay vào TPHCM làm việc, Hương tiếp tục điều trị nhưng suốt 3 tháng qua, miệng vẫn còn méo khiến cô mất tự tin.

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Ngô Minh Như, Phòng khám Ngũ Quan, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3, giải thích khi thời tiết dần chuyển sang lạnh hoặc những ngày trời nóng đổ lửa ngủ dưới máy lạnh và quạt với cường độ cao, nguy cơ liệt dây thần kinh số 7 càng tăng lên.

Theo bác sĩ Như, dây thần kinh số 7 có đường đi khá phức tạp, bắt nguồn từ thần kinh trung ương, chạy qua vùng thái dương và tuyến mang tai, rồi phân nhánh đến các cơ vùng mặt. Liệt ngoại biên xảy ra khi tổn thương từ đoạn ngoài sọ - từ thái dương trở xuống.

Các nguyên nhân phổ biến nhất là tắm khuya, gió lùa, thay đổi thời tiết đột ngột. Một số trường hợp do virus (như Herpes simplex), viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, viêm mũi xoang, hoặc nhiễm trùng vùng mặt không điều trị dứt điểm; chấn thương vùng mặt, phẫu thuật, khối u vùng nền sọ.

Người dễ mắc là những trường hợp có hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể suy nhược, phụ nữ mang thai hoặc sau sinh, béo phì, ít vận động, ít ra ngoài. Người thường xuyên thức khuya; tắm khuya hoặc tắm sáng sớm; nhạy cảm với gió lạnh.

Ngày nay, bệnh lý liệt dây thần kinh số 7 ngày càng phổ biến hơn ở người trẻ do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. 

Bác sĩ Như khuyến cáo các dấu hiệu của liệt dây thần kinh số 7 xảy ra sau khi tiếp xúc với không khí lạnh đột ngột và có các biểu hiện như tê bì, dị cảm một bên mặt; khuôn mặt yếu, xệ xuống hoặc cứng đơ bất thường một bên; méo miệng rõ rệt, lệch miệng khi cười hoặc nói; mắt không thể nhắm kín; khó uống nước, nước trào ra ngoài; khó phát âm, khó biểu cảm gương mặt; đau tai, đau đầu kèm theo yếu mặt; giảm vị giác; chảy nước mắt hoặc nước bọt nhiều.

Khi có các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần giữ bình tĩnh và đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh hoặc tai mũi họng để được khám, xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. Nếu được can thiệp sớm (trong vòng 72 giờ), tỷ lệ hồi phục hoàn toàn rất cao.

Để phòng bệnh, bác sĩ Như khuyên trong thời điểm giao mùa, cần giữ ấm vùng mặt cổ, tránh tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh, ăn uống đủ chất, ngủ nghỉ điều độ và nâng cao sức đề kháng.

Theo Phương Thúy (VietNamNet)