Kiềm hóa cơ thể như thế nào là đúng
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin cho rằng cách ăn kiềm hóa cơ thể sẽ phòng ung thư rất hiệu quả.
Đối với người đang bị bệnh ung thư kiềm hóa cơ thể sẽ "cắt đứt" nguồn sống của tế bào ung thư. Bởi vì, tế bào ung thư phát triển trong môi trường axit và sẽ bị chết trong môi trường kiềm.
Chủ tịch hội Ung thư Việt Nam GS. Nguyễn Chấn Hùng cho hay quan niệm ung thư phát triển thuận lợi trong môi trường có tính axit, kiềm hóa cơ thể để chống lại ung thư chỉ đúng một phần.
"Đúng là trong môi trường axit tế bào ung thư sẽ phát triển nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ thể con người độ pH sẽ ổn định nên không có chuyện kiềm hóa để tránh tế bào ung thư", GS. Chấn Hùng nói.
Dễ hiểu hơn cơ thể con người có nhiệt độ ổn định 37 độ C. Khi nhiệt độ cơ thể bị tác động dẫn tới tăng cao hoặc hạ thấp đều ảnh hưởng tới sức khỏe. Tương tự độ pH là môi trường trong cơ thể cho nên luôn phải duy trì ở mức ổn định.
"Có thể kiềm hóa nhưng chỉ thực hiện đơn giản nhẹ nhàng chứ không thay đổi hoàn toàn môi trường trong cơ thể một cách kịch liệt", GS. Chấn Hùng nói.
TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam thì cho biết chế độ ăn không cân đối sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Ví dụ, chế độ ăn nhiều axit có thể tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Nguyên nhân là do môi trường nội môi của cơ thể là trung tính. Cơ thể vẫn cần axit cụ thể trong dạ dày người có rất nhiều axit clohydric để tiêu thụ thức ăn.
Môn vị dạ dày chỉ mở để thức ăn đi xuống khi mà thực phẩm đã được axit hóa. Nếu dạ dày không có axit thức ăn không được phân hủy.
"Dạ dày là môi trường axit vì sao không ung thư? Điều này để chúng ta hiểu hơn ở từng bộ phận khác nhau sẽ có môi trường khác nhau. Ung thư không đơn giản chỉ kiềm hóa có thể loại bỏ được", TS. Từ Ngữ nói.
Theo TS. Từ Ngữ nếu xét trên bình diện của toàn cơ thể thì tính kiềm là quan trọng (ba zơ). Kiềm toan trong cơ thể nếu không cân bằng sẽ làm ảnh hưởng tới hàng loạt các yếu tố khác trong cơ thể.
Môi trường trong cơ nếu quá kiềm hoặc quá axit đều có thể gây ra ảnh hưởng tới cơ quan tiêu hóa, cơ quan chịu trách nhiệm lọc độc tố như gan, thận…
Thế nào là ăn "lành"
Việc điều trị ung thư được giáo sư đầu ngành nhấn mạnh không đơn giản dù khoa học đã phát triển rất cao. Ở góc độ dinh dưỡng giáo sư chia sẻ thay vì kiềm hóa cơ thể thì nên ăn một cách lành mạnh. Đặc biệt ăn rau quả cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống oxy hóa và vitamin cần thiết.
Rau, củ, quả còn cung cấp chất xơ tránh táo bón để đem hết cách chất ung thư ra ngoài. Táo bón lâu sẽ tích nhiều yếu tố gây hại cho cơ thể.
GS. Chấn Hùng khuyên: "Nên ăn "lành" (cân bằng thực vật, động vật, tinh bột) đừng quên chất xơ và ăn mỡ vừa phải. Ăn chất không quá nóng, không quá cháy có thể gây ung thực quản. Tránh ăn quá nhiều ngọt, thức ăn nhanh, uống nước ngọt là những thức ăn không "lành". Không ăn quá mặn tránh ung thư dạ dày.
Bệnh theo miệng mà vào, nếu đưa vào cơ thể một cách quá đáng hoặc thức ăn đưa vào lệch hướng".
Theo Ngọc Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)