Dâu cả người nông thôn hay nói chính xác là Hà Nội mở rộng, nghĩa là ngoại ô Hà Nội cũ, khi địa chính mở rộng trở thành Hà Nội.
Chị dâu cả không ngại bị thiên hạ đặt lên bàn cân so sánh. Bởi như thế đúng là thấy khập khiễng quá, chị so chi được. Tuy nhiên, cái ý nghĩ chán nản này khiến chị cầm chén cảm giác nằng nặng.
Mỗi lần về nhà, vợ chồng chú út về là chị thêm bội phần tất bật. Mọi công việc đều đến tay chị. Nấu cơm, dọn dẹp sau bữa ăn, mình chị bưng bê dọn dẹp tất.
Bao nhiêu ngày vợ chồng em dâu về thì chị vẫn đứng bếp nấu nướng rồi rửa chén bát bấy nhiêu buổi. Mẹ chồng bảo là dâu đầu chị cả, lo làm đi, chứ nó con gái thành phố về quê không quen nếp sống của mình. Chị có nề hà chi việc bếp núc mà mẹ nói cứ như chị so bì. Lâu nay chị vẫn làm đấy thôi. Cúng giỗ năm bảy mâm một tay chị sắp đặt ngon ơ, huống chi giờ nhà chỉ thêm hai miệng ăn.
Thực tình cô dâu út cũng có ý muốn giúp chị một tay. Cô dâu út xuống phụ chị dâu cả nhặt rau nhưng bị mẹ chồng ngăn lại “con làm cho em nó đi, em nó ở thành phố không quen việc nhà như con”. Chị vâng lời nhưng khi ngồi rửa chén, trong lúc bên trên đang nói cười vui vẻ trò chuyện rổn rảng, chị mủi lòng.
Trong lúc cô em dâu tắm rửa thì mẹ với chị lúi húi quét phòng, nêm giường. Chẳng ai xúi, chị tự chạy ù ra chợ mua một chiếc chiếu với hai cái bọc gối mới. Trên đường về chị lục lọi trí nhớ coi mình đã từng được chào đón chu đáo kiểu như này chưa.
Ngày ấy, gọi là xưa nhưng cũng không quá lâu, khoảng 10 năm trước. Hồi chị về làm vợ anh đồ đạc tự sắm sửa lấy. Chiếc chiếu cói, cái mền, cái gối phòng ngủ tân hôn do anh đèo chị lên thị xã mua về trải.
Chị nghĩ một lúc rồi tự nhủ: “Mà thôi, nghĩ chi cho đau đầu, dù sao cô ấy cũng từ thành phố về, quen với sạch sẽ chu tất, bừa bộn lộn xộn khéo làm người ta buồn lòng”. Biết chấp nhận nhiều khi cũng là niềm hạnh phúc của phụ nữ như chị, bao năm rồi chứ có phải bây giờ mới vậy đâu.
Chị nghĩ, mình mà làm điều gì đó làm em dâu buồn thì mẹ chồng cũng buồn, em trai chồng cũng khó xử, thôi thì chẳng vui vẻ gì. Thêm nữa, chị là dâu cả, “dâu cả là mạ bầy em” cơ mà, phải độ lượng phải không? Chị tự an ủi mình như vậy.
Mỗi lần về, mẹ chồng dẫn cô em dâu đi quanh thăm chòm xóm. Bước đi rất rảo hoạt, mặt mày mừng mừng cười cười, coi là biết bộ dạng muốn khoe. Gặp ai bà cũng chỉ trỏ, con dâu út tôi đây, nó xinh chưa và còn giỏi giang nữa.
Chẳng bù, hồi chị về làm dâu, mẹ săm soi đủ thứ, mẹ chồng bắt học đủ điều. Thời buổi bây chừ khác trước, nhưng quê kiểng tập tục vẫn còn cơ mà. Có lẽ thời gian đã làm mẹ chồng chị thay đổi. Người thành phố và xinh đẹp cũng thật tốt, được thông cảm, được ngoại lệ sao.
Mẹ chồng sợ chị làm mất lòng em dâu nên dặn: Chị em dâu không ở chung nhà với nhau lâu, nên có được ngày nào gần nhau phải quý mến nhau. Em nó ở xa về không biết cái gì thì chị cả phải thông cảm mà bỏ qua chứ đừng có “bới bèo ra bọ”.
Vườn nhà rộng trồng đủ thứ rau, chị dâu cả tưới cây, chăm sóc vườn. Dâu út xí xớn chạy ra bảo “chị cho em làm cùng với, thích thật. Chị là sướng hơn em ở thành phố đó”.
Mẹ chồng luống cuống chạy ra kéo ngay cô dâu út vào nhà: “Vào nhanh đi con, nắng dữ dằn lắm, nó ăn da đen nhẻm ngay. Đấy, nhìn chị dâu con đó. Đen nhem, nhăn nheo chưa kìa”.
Lần này dâu cả buồn thiệt lòng.
Ngày trước, dâu cả cũng đẹp nức tiếng trong làng, da dẻ không trắng mặt mày không sắc sảo nhưng trai tráng lắm kẻ theo đuổi. Chẳng qua là vì tần tảo chịu khó làm ăn, mà làm cho cái nhà này chứ đi đâu.
Chị về làm dâu, chăm lo mẹ chồng với hai đứa em, lúc ấy bố chồng lại ốm. Gả chồng cho hai cô em gái, chính tay chị sắp đặt mâm tiệc. Cậu út vào đại học, chị hằng tháng chu cấp. Rồi hai lần chị sinh nở hai nữa chứ.
Đấy, đổi cho được những điều tốt lành ở gia đình này, chị đã chịu rám nắng, ốm nheo. Thế mà giờ mẹ chồng đem chị ra để so sánh. Chị quệt mồ hôi ở mắt, lại nghĩ tủi thân để đâu cho hết.
Trời bất chợt mưa. Giọt nước mắt bất chợt rơi. Nghe lạnh lẽo trong lòng. Chị ước “già mà mẹ chồng cũng thương mình như thương dâu út thì tốt biết bao?”
Theo Vũ Tùng (Báo Giáo dục & Thời đại)