Nhà chị Trần Thị Hiền ở Thường Tín (Hà Nội), năm nào cũng phải sắm sửa một cây đào, cây quất trong nhà, nhất là quê chị lại là mảnh đất truyền thống trồng cây cảnh. Chồng chị - anh Hùng ngay từ đầu tháng đã lượn đi lượn lại các nhà vườn để tìm cây.
Chị không có ý kiến nhiều về việc mua cây cối ấy nhưng tính chị phiên phiến, cây nào cũng được, cứ hồng hồng hòa đào, đo đỏ chùm quất là chị ok hết, còn đâu thời gian và tiền bạc còn dành để sắm sửa và làm bao nhiêu việc khác, nhất là khi chị vừa sinh em bé được 5 tháng, bận bịu con mọn bỉm sữa nên khan hiếm thời gian, bao nhiêu việc chỉ trông chờ vào anh mà anh lại sáng đi xem quất, tối đi ngắm đào.
Sau năm lần bẩy lượt anh đi xem mà chưa mua được, chị gắt gỏng: “Một tiền gà, ba tiền thóc, tiền cây thì ít mà tiền xăng thì nhiều, mua cây gì thì mua xừ đi cho xong còn lo việc khác, hoa với chả hoét, cây với chả cối, sốt ruột”.
Anh Hùng nghe vợ nói vậy là quát lại ngay: “Đàn bà thì biết gì về cây cảnh, người ta phải xem, phải nghiên cứu, phải chọn thì mới được cây đẹp, hợp thế, hợp phong thủy thì năm sau mới có tài có lộc chứ, đã không biết gì thì lại còn lắm mồm”.
Cứ thế, lại thêm ba bốn lượt đi lượt về anh mới rước được cái cây đào bé xíu về nhà, kê lên chỉ vừa cái đôn góc nhà mà giá thì chát đắng đến 7 triệu đồng, thế là chị kêu giời kêu đất: “Giời ạ, ông không biết là còn bao nhiêu thứ phải mua à, tiền gà tiền lợn, tiền bánh tiền kẹo, tiền nội tiền ngoại, tiền bỉm tiền sữa... tiền đã ít lại còn sĩ, còn đú với thiên hạ”.
Nghe vợ xỉ vả, anh Hùng nóng máu nổi sung lên chửi “im mồm” nhưng càng quát vợ càng xối xả tuôn ra “lời vàng ý ngọc”. Thế là sau một hồi “chiến tranh không dứt”, đứa con 5 tuổi đang nép mình trong góc nhà kinh ngạc khi nhìn bố nó dang thẳng tay tát bốp vào mặt mẹ nó. Câu chuyện đã xảy ra gần 1 năm mà mỗi lần nhắc lại chị Hiền lại rưng rưng ấm ức.
Cũng liên quan đến chuyện đào quất ngày Tết, nhà anh Nguyễn Văn Long ở Đông Anh (Hà Nội) lại có một câu chuyện dở khóc dở cười khác. Chuyện là năm ngoái anh Long đã đầu tư mua một cây đào khá đẹp để chơi Tết và để dành gốc đào chăm sóc chơi lại vào năm sau. Anh chăm bón cẩn thận, đúng kỹ thuật lắm, lại uốn thế rồng bay phượng múa các kiểu.
Anh theo dõi thời tiết, ướm đến độ 2 tuần nữa thì tuốt lá cho cây nhả nụ là vừa. Ở nhà anh, bố anh là người thường xuyên lọ mọ làm những thứ không cần thiết, nhất là khi uống rượu vào thì thể nào ông cũng làm hỏng cái gì đó, thế nên anh trước khi đi làm đã dặn dò rất kỹ ông không tuốt lá đào, để đấy anh về làm.
Cảm thấy không yên tâm khi biết bố mình hay không chịu nghe lời, ở cơ quan anh lại điện về lần nữa. Nhưng khi vừa về tới nhà, anh điếng người phát hiện cây đào trơ trụi không còn sót một chiếc lá, bên cạnh là bố anh đang khật khừ ngồi ôm chai rượu.
Anh bực quá sẵng giọng nói lớn thì bị bố anh chửi lại là đồ mất dậy, vô ơn và đuổi anh và vợ con anh cút khỏi nhà. Tết năm ấy, chưa đến giữa tháng chạp mà đào nhà anh đã bung nở hết, và hễ cứ nhắc đến chuyện đào quất là con nói bố bố chửi con um xùm cả ngõ.
Đúng là sắm đào lựa quất cũng chỉ để cho vui cửa đẹp nhà, nhưng nếu không có cách cư xử đẹp thì vui chửa thấy đâu mà lại dẫn đến mâu thuẫn bất hòa, khiến cái Tết trở lên nặng nề.
Theo Thiên Hà (Dân Việt)