Trong phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Trung ương Hợp Phì (Trung Quốc), bà Lưu nằm thẫn thờ nằm trên giường bệnh, mới đây bà bị chẩn đoán suy gan giai đoạn cuối và cần phải lọc máu suốt đời.
Ngoài bà Lưu thì 4 người thân khác trong gia đình bao gồm chồng, con trai, bố mẹ chồng đều đang phải nằm điều trị tại khoa tổng hợp vì tổn thương gan cấp tính.
Theo Sohu, gia đình 5 người của bà Lưu nhập viện vào tuần trước khi có dấu hiệu tiêu chảy nghiêm trọng. Nghi là ngộ độc thực phẩm tập thể, các bác sĩ quyết định giám thăm khám chuyên sâu cho họ. Kết quả cho thấy cả 5 người trong gia đình này đều bị tổn thương gan, riêng vợ ông Lưu bị suy gan nghiêm trọng.
Trong quá trình khám bệnh, các bác sĩ bệnh viện đã chiết xuất một lượng aflatoxin vượt quá quy định trong máu của họ, xác định chính độc tố này đã gây ra bệnh tật cho cả gia đình này.
Nhưng điều bác sĩ thắc mắc là, aflatoxin thực sự đến từ đâu?
Theo lời kể của vợ ông Lưu, aflatoxin rất có thể đến từ loại dầu ăn hư hỏng mà gia đình dùng. Năm ngoái, siêu thị có chương trình khuyến mại lớn, vì vậy gia đình bà đã mua rất nhiều dầu ăn giá rẻ về nhà, tích trữ và đem ra dùng đến năm nay vẫn chưa hết. Dù bà nhận thấy dầu ăn có mùi lạ nhưng vẫn nghĩ rằng chỉ cần chế biến ở nhiệt độ cao thì dầu hỏng cũng không thành vấn đề, nhưng ai ngờ sau một thời gian dài sử dụng dầu kém chất lượng, cả gia đình bà đều đã mắc bệnh gan.
Bác sĩ khuyến cáo: Dầu ăn có dấu hiệu này thì cần ném bỏ càng sớm, càng tốt
Theo bác sĩ Zhang Peng (công tác tại bệnh viện Trung ương Hợp Phì): "Dầu ăn khi quá hạn sử dụng hoặc bảo quản không đúng cách dễ dẫn đến tình trạng biến chất, ôi thiu. Sử dụng lâu ngày sẽ làm tăng mỡ máu, làm hình thành xơ vữa động mạch và các khối u. Đặc biệt, dầu ăn để lâu dễ bị mốc và sản sinh ra độc tố aflatoxin. Đây là một chất kịch độc, vào năm 1993, WHO đã xác định afatoxin là chất gây ung thư cho người. Chỉ cần sử dụng 1mg cũng đủ để mắc ung thư gan vì vậy tốt nhất các gia đình không nên tiêu thụ".
Theo bác sĩ, để nhận biết một chai dầu ăn bất kỳ bị hỏng hay không, bạn có thể xem xét qua các yếu tố là màu sắc, độ trong, mùi, vị của dầu. Khi các chất béo trong dầu bắt đầu tệ đi, nó sẽ tạo mùi hôi, khi bạn ngửi dầu ăn nhà mình mà thấy dầu hôi, mùi khó ngửi, đừng tiếp tục sử dụng, hãy vứt bỏ ngay. Ngoài ra, màu sắc của dầu hỏng không trong đẹp mà bị đục, màu đậm hơn so với màu của dầu khi mới mua.
Bên cạnh dầu hết hạn, bác sĩ Zhang Peng cũng khuyến cáo loại dầu ăn mà các gia đình cần tránh sử dụng là dầu ăn tự ép giá rẻ, bán trôi nổi trên thị trường bởi chúng thường tiềm ẩn nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm. Để giảm bớt chi phí, nhiều cơ sở sản xuất đã mua lạc hoặc hạt hướng dương bị mốc. Nếu dùng những nguyên liệu bị mốc này để chiết dầu thì chắc chắn sẽ làm cho độc tố aflatoxin trong dầu ăn vượt quá tiêu chuẩn. Hơn nữa, dầu tự ép không thể bảo quản được lâu, nếu bạn bảo quản không đúng cách thì aflatoxin cũng sẽ sản sinh lúc nào không biết.
Để sử dụng dầu ăn an toàn, các gia đình nên lưu ý điều gì?
Theo các chuyên gia, loại dầu ăn tốt cho sức khỏe nhất là các loại dầu có thương hiệu nổi tiếng, có bao bì rõ ràng và đã được kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng.
Ngoài ra khi dùng dầu ăn cần nhớ rõ nguyên tắc sau đây:
- Không nên dùng dầu ở nhiệt độ cao: Nếu vượt quá "điểm bốc khói" của dầu ăn, dầu sẽ bị cháy và có mùi khét. Điều này không những phá huỷ thành phần dinh dưỡng trong thức ăn mà còn sản sinh ra peroxide và các chất gây hại cho sức khỏe.
- Không tái sử dụng dầu ăn nhiều lần vì như vậy vừa làm mất chất dinh dưỡng lại sản sinh một số chất gây hại cho sức khỏe, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Nên bổ sung thêm các loại dầu ăn chứa omega 3, 6, 9 cho người già: Những loại dầu thực vật chứa nhiều hàm lượng omega 3, 6, 9 như dầu đậu nành, dầu oliu có hoạt tính sinh học cao, giúp chuyển hóa cholesterol xấu trong máu, như vậy người cao tuổi có thể ngừa được các bệnh tim mạch và cao huyết áp.
Theo Đậu Đậu (Nhịp Sống Việt)