Trứng gà là loại thực phẩm được lòng cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Bởi chỉ từ nguyên liệu trứng chúng ta có thể biến tấu thành rất nhiều món ăn ngon.
Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao. trong trứng có đủ chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng, các men và hormone. Trong đó, lòng đỏ là thành phần quan trọng nhất của trứng trong đó tập trung phần chủ yếu của các chất dinh dưỡng. Lòng đỏ trứng gà có 13,6% đạm, 29,8% béo và 1,6% chất khoáng. Tuy nhiên, nếu ăn trứng không đúng cách có thể gây hại.
Gia đình 4 người ngộ độc nặng sau ăn bữa tối với trứng gà
Vào cuối tháng 7/2020, một gia đình 4 người sống tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc cũng từng là nạn nhân của việc ăn trứng gà sai cách.
Chị Pu (một trong những thành viên của gia đình trên) kể lại rằng: Ngày hôm đó, cả gia đình chị cùng nhau ăn tối với món trứng bắc thảo. Sau khi ăn, lần lượt các thành viên trong gia đình chị xuất hiện dấu hiệu buồn nôn, tiêu chảy và sốt...
Tình trạng sức khỏe của cả nhà ngày một nghiêm trọng hơn, may mắn là họ được người thân đưa đến một bệnh viện tại Thành Đô để cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán cả gia đình 4 người của chị bị ngộ độc Salmonella do ăn trứng bắc thảo nhiễm khuẩn Salmonella.
Trứng bắc thảo còn được gọi với tên khác là trứng bách thảo. Đây là một món ăn nổi tiếng có nguồn gốc Trung Hoa, người ta thường làm món này từ trứng cút và trứng gà. Còn ở Việt Nam, món trứng này được làm từ trứng vịt, ủ trong một hỗn hợp từ đất sét, tro, muối, vôi, và trấu... trong nhiều tuần lễ, hay nhiều tháng.
Đây là một món ăn có máu sắc đẹp mắt và lạ miệng nên thường được nhiều người yêu thích, tuy nhiên món trứng bắc thảo khi được bảo quản lâu ngày, quá trình chế biến không vệ sinh có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Trước đó vào tháng 5/2020, tờ QQ của Trung Quốc cũng từng đăng tải trường hợp của gia đình họ Trương bị nôn mửa, tiêu chảy và hôn mê sâu sau khi ăn trứng. Nhưng các quả trứng của họ mới mua về, làm sao có thể bị hỏng? Cuối cùng, người vợ trong gia đình tiết lộ cô thường có thói quen rửa trứng sống bằng nước sạch trước khi cho vào tủ lạnh. Điều này đã vô tình làm hỏng lớp màng mỏng trên vỏ trứng, khiến cho vi khuẩn như Salmonella xâm nhập vào bên trong và dễ gây ngộ độc cho người ăn.
Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm như thế nào?
Salmonella phân bố rộng rãi trong tự nhiên, nhưng đặc biệt dễ tìm trong trứng, thịt, gia cầm và sữa... Điều đáng sợ hơn nữa là thực phẩm sau khi nhiễm vi khuẩn Salmonella thì không thể phân biệt được bằng mắt thường.
Salmonella có khả năng sinh sản rất mạnh, có thể sinh sản với số lượng lớn ở nhiệt độ trên 20 độ C. Ngay cả khi được bảo quản trong tủ lạnh, chúng vẫn có thể sống được từ 3-4 tháng. Sau khi vi khuẩn Salmonella nhân lên trong thực phẩm và đạt đến một số lượng nhất định, nó sẽ sinh ra độc tố, lâu dần sẽ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Theo thống kê, trên thế giới mỗi năm có khoảng 100 triệu người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, mặc dù hầu hết mọi người có thể được chữa khỏi nhưng cũng có khoảng 100.000 người tử vong.
Lưu ý khi ăn trứng để phòng tránh ngộ độc
Không ăn quá nhiều trứng mỗi ngày
Trong trứng có rất giàu protein và chất béo, vì vậy việc ăn quá nhiều trứng trong ngày sẽ dẫn tới tình trạng thừa chất, làm tăng gánh nặng cho thận, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Việc ăn trứng cũng bổ sung thêm lượng calo nhưng với một cơ thể không thể vận động nhiều để đốt calo lại dẫn đến tình trạng ngược lại, đó là thừa cân, béo phì.
Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng rằng, với người ít lao động chỉ nên ăn 1 – 2 quả trứng/ ngày. Người thường xuyên phải lao động nặng có thể ăn 2 – 3 quả trứng/ ngày. Phụ nữ mang thai, người ốm yếu cần phục hồi thể trạng được phép ăn từ 3 – 4 quả trứng/ ngày nhưng lưu ý không nên lạm dụng quá đà
Không ăn trứng để qua đêm
CDC Hoa Kỳ cảnh báo, ngay cả khi vỏ trứng trông sạch sẽ, không bị vỡ thì chúng vẫn có nguy cơ chứa vi khuẩn gây ngộ độc nghiêm trọng - Salmonella. Tổ chức này khuyến cáo mọi người nên ăn trứng ngay sau khi nấu, không giữ trứng hoặc thực phẩm làm bằng trứng ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ phòng là 32 độ C hoặc nóng hơn.
Người bị sốt không nên ăn trứng
Bình thường trứng là một thực phẩm rất bổ dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên ăn trứng khi bị ốm. Bởi trong trứng có rất nhiều protein nên sau khi ăn sẽ tạo ra một nhiệt lượng lớn. Những người bị sốt, nhất là trẻ em ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên không phát tán ra ngoài được, do vậy sốt càng cao và rất lâu khỏi.
Vì vậy, khi bị sốt, chúng ta không nên ăn trứng mà thay vào đó nên uống nhiều nước, rau quả tươi và hạn chế những thứ có chứa nhiều protein.
Không uống thuốc ngay sau khi ăn trứng
Trứng rất giàu protein, trong khi các chứng viêm trong cơ thể lại liên quan đến lượng protein. Vì vậy, khi bắt đầu tình trạng viêm, cần lưu ý không uống thuốc sau khi ăn trứng. Đặc biệt là các bệnh tiêu hóa, tiêu chảy, có thể thậm chí không ăn trứng. Trứng có chứa protein sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, ảnh hưởng đến sự hấp thụ và tiêu hóa.
Không thêm bột ngọt, xì dầu vào trứng
Đây là một sai lầm nghiêm trọng mà nhiều bà nội trợ vẫn mắc phải khi chế biến. Thậm chí, để làm tăng sự thơm ngon cho món trứng, nhiều bà nội trợ còn cho thêm xì dầu hay bột ngọt. 2 gia vị này nếu được nấu chung với trứng ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất gây phá hủy thành phần amino acid hữu ích sẵn có trong trứng.
Bên cạnh đó, trong xì dầu còn có chứa chất trypsin và nếu khi kết hợp với lòng trắng trứng sẽ làm giảm nhiều giá trị dinh dưỡng của trứng. Điều này lại không tốt cho cơ thể con người bởi sự hấp thụ ít các dưỡng chất mà trứng mang lại. Vậy nên một chút muối trắng rắc lên trứng sẽ đảm bảo tăng thêm hương vị món ăn lại giữ được chất dinh dưỡng cần có của trứng.
“Tối kỵ” khi ăn trứng kèm sữa đậu nành
Nhiều người hay có thói quen kết hợp ăn trứng gà và uống sữa đậu nành vào mỗi bữa sáng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu từ các chuyên gia dinh dưỡng thì trứng và đậu nành không nên kết hợp với nhau. Lý do là bởi trong sữa đậu nành có chứa trypsin, khi kết hợp với protein trong trứng gà sẽ khiến cơ thể con người chỉ hấp thụ phần xơ, làm giảm đi nhiều chất dinh dưỡng khác.
Cách bảo quản trứng trong tủ lạnh
Việc chất lượng trứng có được bảo quản tốt hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khâu chế biến món ăn. Nếu trứng bị ung hoặc không được tươi sẽ thất bại ngay từ khâu bắt đầu chế biến.
- Khi mua trứng về thường bị bẩn, bạn phải lau sạch trứng trước khi cất trữ: Sử dụng khăn mềm để lau trứng thật sạch. Sau đó, cho trứng vào hộp đậy kín rồi mới cất vào ngăn mát tủ lạnh.
- Khi trứng đã được cất trong tủ lạnh phải đảm bảo trứng luôn ở trong tủ, không để ở môi trường bên ngoài quá lâu. Vì nhiệt độ bên ngoài cao sẽ làm cho vỏ trứng xuất hiện những hạt nước li ti thấm vào trứng, làm giảm khả năng chống vi khuẩn trứng sẽ nhanh bị hỏng hơn.
- Mẹo giúp trứng tươi được lâu hơn có thể để được đến 36 ngày, bạn có thể bôi lên trứng một lớp dầu thực vật như dầu cải, dầu vừng. Cách này chỉ thích hợp khi để trứng trong môi trường có nhiệt độ từ 25 - 32 độ C.
- Để trứng bảo quản được lâu bạn cần đặt trứng đúng cách: Thông thường, nhiều người có thói quen đặt đầu to của trứng xuống dưới, đầu bé lên nhưng theo kinh nghiệm để trứng tươi được lâu hơn, lòng đỏ không bị bám sát vào vỏ, thì bạn nên để đầu to của quả trứng lên phía trên, không để nằm, các quả trứng không chạm vào nhau.
PN (Nguoiduatin.vn)