Dinh dưỡng tốt giúp bệnh nhanh khỏi
Các chuyên gia Bộ Y tế cho hay người nhiễm COIVD-19 thường có diễn biến thất thường và phức tạp. Ở giai đoạn đầu, bệnh diễn biến chậm và âm thầm không có triệu chứng, nhưng sau đó rất nhiều ca bệnh đột ngột diễn biến nặng, phải thở oxy, thở máy hoặc hỗ trợ tuần hoàn hô hấp, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm.
Theo Bộ Y tế, để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Với những trường hợp người bệnh nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà, việc thực hiện, tuân thủ chế độ dinh dưỡng thật sự cần thiết. Dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện "hàng rào" bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng.
Khi bị nhiễm virus, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống, do vậy, cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng.
"Người bệnh COVID-19 tăng nhu cầu dinh dưỡng do tăng tiêu hao năng lượng, nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đúng cách, người bệnh sẽ suy dinh dưỡng nặng. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy, tăng chi phí điều trị", Bộ Y tế nhấn mạnh.
Vì vậy, việc cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh nhiễm COVID-19 nhẹ và không có triệu chứng tại nhà là rất cần thiết, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng.
Dưới đây là nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ và không có triệu chứng:
- Ăn bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm (nếu được) để duy trì thể trạng, thể chất bình thường
- Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc.., đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng.
- Ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng.
- Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.
Bộ Y tế lưu ý: "Dinh dưỡng cần phải đảm bảo đầy đủ, cân đối và đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng - xanh thẫm. Tuyệt đối không bỏ bữa: Ăn đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ".
Những thực phẩm nên ăn và nên tránh
Theo bộ Y tế những thực phẩm F0 tại nhà nên dùng là:
- Gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn,...;
- Các loại hạt: đậu đỗ, vừng, lạc...;
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: sữa bột, sữa tươi, sữa chua...;
- Thịt, các loại, cá, tôm...;
- Trứng và các sản phẩm từ trứng: trứng gà, trứng vịt, trứng chim cút...;
- Dầu thực vật, dầu oliu, dầu cá,...
- Đa dạng các loại rau xanh và hoa quả tươi.
Các chuyên gia Bộ Y tế cũng lưu ý F0 cần tránh mỡ động vật, phủ tạng động vật, các thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, dưa muối, cà muối...). Một số loại nước uống F0 không nên sử dụng là nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt; các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
Lưu ý, F0 không cần kiêng khem thực phẩm nếu không có dị ứng thực phẩm hoặc nếu không có lời khuyên riêng của bác sĩ. Đối với người có thể trạng gầy, trẻ em, cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa.
Các thực phẩm cần phải bảo đảm an toàn, vệ sinh. Không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng. Bảo đảm vệ sinh khi chế biến thực phẩm. Luôn rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cần theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)