Số mắc COVID-19 riêng tại TP.HCM đã lên trên 18.000 người và vẫn đang gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng sau khi cách ly F1 tại nhà, nên triển khai cách ly F0 tại nhà.
Tối 13-7, Sở Y tế TP HCM đã ban hành văn bản 4534/SYT-NVY về việc triển khai các biện pháp thực hiện cách ly, điều trị đối với những trường hợp F0, F1. Trước vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh (trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cũng nêu ra quan điểm nên cách ly F0 tại nhà "F0 được cách ly tại nhà là điều may mắn nhưng phải tuân thủ hướng dẫn". Cụ thể là cần đảm bảo những điều sau đây:
1. F0 được cách ly tại nhà là những trường hợp không có triệu chứng, đảm bảo không lây cho các thành viên khác
Với những trường hợp không xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân Covid-19 nên được cách ly tại nhà để vừa giúp tâm lý F0 thoải mái, đồng thời vừa giảm gánh nặng cho nhân viên y tế. Đây là nhận định đầu tiên của BS Trương Hữu Khanh khi nói về vấn đề cách ly F0 tại nhà.
F0 được cách ly tại nhà tuyệt đối không được ra khỏi nhà khi chưa có sự cho phép của người quản lý. Thường phải xét nghiệm âm tính vài lần. Thường ngày 14 mới cần xét nghiệm. Sau 14 ngày, nhân viên y tế sẽ đến lấy mẫu xét nghiệm để có những quyết định tiếp theo.
Ngoài ra, F0 cần đảm bảo không để lây thêm cho các thành viên khác cho gia đình, nếu trong nhà có người nguy cơ bệnh sẽ nặng thì chuyển người này đi nơi khác hay không nên cách ly tại nhà. Nếu cả nhà đều là F 0 thì cách ly tại nhà các đối tượng không nguy cơ là dễ nhất.
2. F0 cần ở nguyên trong nhà, có thể cần niêm phong phòng của F0
Theo BS Trương Hữu Khanh, giống như những trường hợp F0 đang ở trong viện theo dõi và điều trị hiện nay, F0 nếu được cách ly tại nhà cần đảm bảo có phòng riêng, không được đi ra khỏi phòng. Chúng ta đều biết, virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền từ người này sang người kia ở khoảng cách gần, thế nên hạn chế đến mức tối đa khả năng tiếp xúc F0.
Để đảm bảo F0 không ra khỏi phòng, đôi khi bạn cần phải dùng đến biện pháp mạnh như khóa cửa, niêm phong phòng khi cần thiết. Tất nhiên việc ở nguyên trong phòng, không được đi đâu còn phụ thuộc vào ý thức của mỗi F0 nhưng để làm mạnh tay nhất, tốt nhất cho F0, cho chính gia đình và cộng đồng thì bất cứ ai cũng cần hợp tác để làm quyết liệt đến cùng.
3. F0 tuyệt đối không được ăn chung, ngủ chung, nghỉ ngơi chung... với các thành viên khác, khi mang đồ dùng cho F0 cần đảm bảo giữ khoảng cách ít nhất 2m
Như chúng ta đã biết, virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây truyền qua giọt bắn trong không khí. Khi ngồi ăn cơm chung, nằm ngủ chung với nhau, bạn đều không đảm bảo khoảng cách. BS Trương Hữu Khanh nhận định, điều này đẩy cao khả năng lây nhiễm bệnh. Nhất là trong quá trình ăn uống ngồi gần nhau, việc trò chuyện cùng nhau càng là chất xúc tác khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh không ngừng tăng.
Ngay cả khi đảm bảo khoảng cách trong lúc ăn, lúc ngủ nhưng bạn và F0 vẫn ở chung trong một phòng nhất định. Điều này vô cùng nguy hiểm, chuyện lây nhiễm chỉ còn sớm hay muộn mà thôi. Thế nên, để làm quyết liệt luôn từ bây giờ, BS Khanh cho rằng cần tuyệt đối không ăn chung, không ngủ chung, không chơi đùa, thư giãn... bất cứ hoạt động chung nào cũng không được làm cùng nhau, phòng ai người nấy ở.
Trong trường hợp mang đồ dùng cho F0 cần đảm bảo giữ khoảng cách ít nhất 2m, cả 2 cùng mang khẩu trang và tấm che giọt bắn.
4. Đảm bảo môi trường sống của F0 luôn thông thoáng, sạch sẽ, thức ăn đồ uống sạch, đảm bảo sức khỏe
Theo BS Trương Hữu Khanh, đảm bảo môi trường luôn thông thoáng, sạch sẽ rất quan trọng để phòng nguy cơ lây nhiễm. Việc ở trong phòng khép kín, mở điều hòa kéo dài làm tăng khả năng sinh sôi của virus, làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19. Do đó, tốt nhất không nên dùng điều hòa. Phòng của F0 nên mở cửa thông thoáng để giảm nồng độ virus.
Ngoài ra, đồ ăn thức uống cần sạch sẽ, đảm bảo dinh dưỡng để người bệnh cũng như bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng được ăn uống đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ giúp tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng, giúp chống chọi bệnh tật tốt hơn, người bệnh sớm phục hồi sức khỏe, trong khi các thành viên khác được khỏe mạnh hơn để chiến đấu với bệnh tật.
"Uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ, cố gắng vận động dù không gian hẹp", BS Khanh đặc biệt nhắn nhủ F0.
5. F0 khi ở một mình trong phòng
Khi được cách ly tại phòng riêng ở nhà, F0 không cần thiết phải đeo khẩu trang y tế nếu chỉ có một mình trong phòng. Điều này nhằm giúp cơ thể thoải mái, dễ chịu hơn, tạo tâm lý thoải mái tối đa khi điều trị tại nhà.
Ngoài ra, BS Khanh lưu ý, F0 cần làm vệ sinh bề mặt nơi ngồi làm việc, phòng ốc phải thông thoáng. Bên cạnh đó cũng cần chú ý dọn dẹp nhà vệ sinh, đảm bảo phải thật sạch vì nơi này là ổ tác nhân gây bệnh khác.
Khi đi vệ sinh phải mang khẩu trang, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh. Tốt nhất F0 nên tự làm những việc này. Trong trường hợp bắt buộc cần người nhà giúp đỡ thì khi vào phòng cần đảm bảo chống dịch với khẩu trang, tấm che giọt bắn, đồ bảo hộ và chú ý cách xa F0 ít nhất 2m.
6. F0 cần phải hết sức vững tâm lý ngay cả khi được ở nhà
Chuyên gia khuyên, hãy tham vấn sức khỏe ngành y tế khi có bất cứ lo lắng gì. "Cần thì nhắn tin vào inbox tôi chỉ cho", chuyên gia nhấn mạnh.
Đặc biệt, khi cách ly tại nhà, F0 chắc chắn sẽ phải đối diện với những lời bàn ra tán vào gây ảnh hưởng tâm lý. Tuy nhiên, BS Khanh khẳng định: "Các nhà xung quanh họ xì xào kỳ thị gì kệ họ, bình tĩnh mà thực hiện, mọi việc sẽ qua. Virus từ cơ thể mình không thể tự nhiên qua phòng bên cạnh thì làm sao qua nhà họ được, cũng đừng trách cứ họ làm gì. Khi qua dịch thì tình làng nghĩa xóm cũng trở lại như xưa".
Lời kết
BS Trương Hữu Khanh khẳng định, về cơ bản việc đảm bảo 6 lưu ý trên sẽ giúp cách ly tại nhà đối với F0 hiệu quả nhất, không lo sợ bị lây nhiễm chéo cho các thành viên trong gia đình, đồng thời giảm gánh nặng cho y tế. Còn lại, để chiến thắng cuộc chiến này cần phụ thuộc vào sự hợp tác của mỗi chúng ta.
Không chỉ là F0, không chỉ là những thành viên trong gia đình F0 mà bất cứ ai trong cộng đồng cũng cần nâng cao ý thức phòng chống dịch, đảm bảo 5K theo quy định của Bộ Y tế. Chỉ có như vậy mới mong dịch sớm chấm dứt, cuộc sống sớm trở lại bình ổn nhất có thể.
Theo TH (Nhịp Sống Việt)