F0 điều trị tại nhà cần lưu ý những gì?

20/02/2022 14:48:30

F0 điều trị tại nhà theo dõi thế nào? F0 điều trị tại nhà sử dụng thuốc gì?... Dưới đây là những điều người bệnh cần lưu ý.

F0 điều trị tại nhà cần lưu ý những gì?

F0 nào được điều trị tại nhà?

Theo hướng dẫn tại Quyết định 261/QĐ-BYT, người bệnh mắc COVID-19 được quản lý, điều trị tại nhà nếu đáp ứng điều kiện sau đây:

Là người mắc COVID-19, không có triệu chứng hoặc có nhưng ở mức nhẹ như sốt, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị.

Không mắc các bệnh nền hoặc không có bệnh nền đang được điều trị ổn định: Bệnh đái tháo đường, ung thư, thận mạn tính, béo phì, thừa cân, HIV/AIDS... (theo hướng dẫn tại Quyết định 250/QĐ-BYT).

Không có dấu hiệu viêm phổi, thiếu ôxy, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời, không thở rên, rút lõm lồng ngực, thở khò khè, thở rít...

Có khả năng tự chăm sóc bản thân: Tự ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh, tự theo dõi sức khoẻ, có sẵn điện thoại, máy tính, có khả năng giao tiếp...

Những việc F0 cần làm để theo dõi sức khỏe hàng ngày

Theo Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, cơ sở quản lý sức khỏe người mắc COVID-19 hướng dẫn người mắc COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào Phiếu theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà như sau:

Thời gian: 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị.

Nội dung: Chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo;

Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…

F0 điều trị tại nhà dùng thuốc thế nào?

Việc kê đơn điều trị F0 tại nhà được thực hiện khi F0 có dấu hiệu sốt, ho như sau:

Ho: Dùng thuốc giảm ho khi ho khan nhiều.

Sốt: Người lớn sốt trên 38,5 độ C, đau đầu, đau người nhiều: Uống thuốc hạ sốt (paracetamol 0,5 g) 1 viên/lần/mỗi 4-6 giờ và chỉ uống không quá 4 viên/ngày.

Uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc thay nước.

Trẻ em sốt trên 38,5 độ C: Uống thuốc hạ sốt (paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần) lặp lại mỗi 4-6 giờ và không quá 4 lần/ngày.

Trong đó, danh mục các loại thuốc dành cho điều trị ngoại trú người mắc COVID-19 tại nhà được ban hành tại Phụ lục số 03 kèm Quyết định 261/QĐ-BYT gồm:

Thuốc kháng virus: Lựa chọn một trong các thuốc sau: Favipiravir 200 mg, 400 mg (viên); Molnupiravir 200 mg, 400 mg (viên)...

Lưu ý: Ngay sau khi có chẩn đoán xác định mắc COVID-19, dùng thuốc kháng vi rút ngay, tốt nhất là dùng trong 5 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng và ưu tiên dùng cho F0 có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi, người chưa tiêm đủ liều vaccine, có bệnh nền...

Khi người bệnh có dấu hiệu suy hô hấp như khó thở, thở hụt hơi, thở rít, khò khè; người lớn có nhịp thở ≥ 20 lần/phút; trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi ≥ 30 lần/phút; trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi ≥ 40 lần/phút và/hoặc SpO2≤ 96%... cần sử dụng kết hợp thuốc chống viêm corticosteroid và chống đông máu nhưng chỉ kê điều trị trong 1 ngày chờ chuyển đến cơ sở điều trị F0.

F0 nào điều trị tại nhà phải vào viện ngay?

Nếu sau khi uống thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, F0 cần phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để xử trí. Đặc biệt, khi phát hiện 11 biểu hiện bất thường dưới đây thì ngay lập tức báo cho nhân viên y tế để được cấp cứu và chuyển viện: Khó thở, thở hụt hơi, trẻ em thở trên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè...

Người lớn thở ≥ 20 lần/phút; trẻ từ 1 - dưới 5 tuổi thở ≥ 40 lần/phút; trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thở ≥ 30 lần/phút.

SpO2 ≤ 96%; Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút; 90 mmHg > huyết áp < 60 mmHg; Thường xuyên đau tức ngực, bó thắt ngực, khi hít sâu thì đau tăng hơn.

Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì, co giật; Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân...

Bất kỳ tình trạng bất ổn nào mà người mắc COVID-19 thấy cần báo cơ sở y tế.

Theo Minh Hương (Lao Động)

Nổi bật