F0 sớm "nghỉ" sớm?
Những ngày qua trên mạng xã hội liên tục nhận được các chia sẻ của F0. Nhiều người bỗng dưng test vui lại ra hai vạch. Có những người khi thấy mình dương tính khoe với bạn bè rằng "đã được hai vạch". Cũng có người thì tự an ủi rằng trước sau cũng đến lượt, đến sớm xong sớm. Nhiều người còn chia sẻ "ai rồi cũng F0 cả thôi nên mọi người cứ bình tĩnh bước qua..."
Tâm lý sớm muộn gì cũng thành F0, trở thành F0 rồi đỡ mệt mỏi hơn, đi làm an tâm hơn không lo một ngày bị báo là F1 phải cách ly ở nhà... đang trở nên phổ biến.
Từ sau Tết, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng – Hoàng Mai, Hà Nội liên tục trở thành F1. Có khi cả hai vợ chồng đều là F1. Anh Thắng lo lắng, ngày đầu anh còn gọi đơn vị dịch vụ xét nghiệm PCR về nhà test. Sau đó, anh và vợ đều tự test. Tiền test cũng tốn bằng tiền lương của công chức. Anh Thắng mệt mỏi, thà lên hai vạch đi rồi nghỉ ở nhà, cách ly xong còn an tâm đi làm chứ luôn trong tình trạng F1 thế này thì còn mệt hơn.
Xung quanh nhà mình đang sống đều nhận được thông báo là F0, bạn bè, người thân cũng liên tiếp báo tin F0, chị Nguyễn Thị Xuân (31 tuổi, Hà Nội) lại cảm thấy mình... lẻ loi. Trong gia đình chị, ba bố con là F0, chỉ riêng chị âm tính đi chăm sóc cả nhà.
Còn người thân của chị ở bên Ba Đình rồi Long Biên, bạn bè, người ở quê cũng đều báo lên hai vạch. Ban đầu nghe còn choáng hai vợ chồng bảo nhau "Nhà cái Hà hai vạch rồi hay …". Còn hiện tại khi thấy mọi người báo F0 chị cũng chỉ thấy quá bình thường. Chị Hà chuẩn bị sẵn tâm lý "rồi cũng tới lượt mình".
Một bác sĩ theo dõi hàng nghìn ca F0 trong cộng đồng ở Hà Nội cho biết, số bệnh nhân báo cho y tế phường để cập nhật lên danh sách số ca mắc hàng ngày chỉ là 1 phần nổi của tảng băng chìm.
Theo vị bác sĩ này, qua tư vấn cho F0 tại cộng đồng, anh nhận thấy hầu hết họ không báo y tế phường với lý do như báo cũng không giải quyết được gì. Nếu người nào nhanh nhẹn thì sẽ tự tìm cho mình một bác sĩ tư vấn online, còn lại mọi người sẽ tự lên mạng tìm đơn thuốc hoặc ra nhà thuốc mua. Vì vậy, 5000 ca mỗi ngày chỉ là con số nhỏ, thực tế còn nhiều hơn rất nhiều, chưa kể đến số người mắc bệnh không có triệu chứng.
Nguy cơ trở nặng hiện hữu
"Rồi ai cũng là F0" là suy nghĩ hợp lý khi tình trạng bệnh nhân gia tăng như hiện nay nhưng PGS Hoàng Bùi Hải – Trưởng khoa Cấp cứu, BV Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc BV Covid-19 Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, chúng ta không được chủ quan vì dù đã tiêm vaccine, vẫn có người trở nặng khi nếu mắc Covid-19. Vì vậy, dù số ca mắc tăng hay xung quanh đều là F0 thì bạn vẫn cần cố gắng giữ gìn nhất, tuân thủ 5K để bảo vệ bạn và gia đình.
Về mặt dịch tễ học, PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng chúng ta không thể "thả" để ai cũng là F0, đến sớm xong sớm. Vì thực tế các bệnh nhân vẫn có nguy cơ trở nặng, khi đó các hệ thống cơ sở y tế sẽ quá tải. Quá tải y tế tương đương với tỷ lệ tử vong sẽ gia tăng. Ở bất cứ điều kiện nào, PGS Phu cho rằng chúng ta vẫn phải làm chậm quá trình lây nhiễm, số ca F0 vẫn phải trong tầm kiểm soát để đảm bảo an toàn.
Những gia đình có người già, người có bệnh nền mãn tính phải được bảo vệ an toàn vì đây là đối tượng nguy hiểm, dù có tiêm vaccine thì nguy cơ trở nặng vẫn hiện hữu. Hơn nữa, khi bạn nhiễm Covid-19 còn có nguy cơ của hậu Covid-19, dù không nhiều nhưng vẫn có thể bị di chứng.
Đến thời điểm này, theo Bộ Y tế, số bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị là 3.017 ca, trong đó, thở oxy qua mặt nạ là 2.349 ca; thở oxy dòng cao HFNC là 327 ca; thở máy không xâm lấn là 97 ca; thở máy xâm lấn là 230 ca; ECMO là 14 ca.
Theo Thạch Thảo (Khỏe & Đẹp)