Trong hôn nhân, kinh tế vợ chồng phải luôn được thống nhất theo nguyên tắc "của chồng công vợ", gia đình mới có thể hòa thuận. Ngược lại khi đàn ông kiếm ra tiền, tự cho mình quyền trụ cột coi thường phụ nữ sẽ rất đến mâu thuẫn đôi bên. Nhất là khi sự nhẫn nại của phụ nữ không còn thì chắc chắn tổ ấm sẽ bị đẩy tới bờ vực thẳm.
Cũng vì mâu thuẫn tài chính với chồng, mới đây một người vợ đã lên diễn đàn xã hội chia sẻ câu chuyện của vợ chồng cô: "Chồng em làm quản lý cho 1 công ty du lịch, lương lậu 1 tháng bao nhiêu em không biết chính xác vì anh không bao giờ anh chia sẻ. Chỉ biết cứ đầu tháng có lương anh đưa vợ 6 triệu lo chi tiêu sinh hoạt. Tuy nhà cửa không phải đi thuê nhưng lại chăm 2 đứa con, 1 đứa lên 3 tháng một đứa 16 tháng nên riêng khoản bỉm sữa, gửi trẻ thì từng ấy tiền anh đưa đã chẳng thấm gì. Có điều anh nói, lương của anh phải để tiết kiệm, lo việc lớn thành ra, thu nhập của em được bao nhiêu đều phải rút ra chi tiêu việc nhà.
Thực ra với em chuyện tiền nong kinh tế chồng hay vợ quản đều được miễn chung về 1 mối vì tương lai gia đình. Tiếc rằng chồng em lại không cư xử đúng mực. Anh giữ tiền, ăn tiêu thế nào không bao giờ bàn bạc nói qua với vợ 1 câu. Bực nhất là anh toàn biếu xén cho nhà nội, nhà ngoại không bao giờ để ý quan tâm. Mỗi lần về nhà nội anh mua sắm linh đình đủ các thứ nào là tivi, tủ lạnh, cứ thấy ông bà thiếu gì là anh mua, đồ nào hỏng anh thay. Có khi chi tới mười mấy, hai mươi triệu liền lúc anh cũng tuyệt nhiên không bàn qua với vợ. Anh bảo anh tiêu tiền anh, em không có quyền can thiệp.
Vợ chồng cãi vã lớn tiếng nhiều lần, anh không chịu thay đổi. Sau em chán cũng chẳng buồn nhắc.
Đợt vừa rồi em gái út của chồng em cưới. Ban đầu không thấy chồng nói gì tới quà tặng, em chủ động hỏi thì anh nói vợ chồng đánh 1 chiếc lắc tay 3 chỉ trao cho cô ấy hôm về nhà chồng. Anh đưa tiền em tự lo liệu. Thấy quà như vậy là vừa nên em vui vẻ đồng ý.
Sát ngày cưới, chọn được chiếc lắc tay ưng ý, em mang luôn về bên nhà bố mẹ chồng vừa muốn khoe với ông bà cũng là để xem nhà còn việc gì thì xắn tay chuẩn bị cùng. Không ngờ vừa tới cửa đã thấy giày của chồng để đó. Nhẹ nhàng đi vào trong, em liền sững người nghe tiếng anh nói chuyện với bố mẹ: 'Hôm cưới, vợ chồng con sẽ trao cho cô út 1 chiếc lắc tay 3 chỉ. Quà này vợ con sẽ chuẩn bị, gọi là hình thức cho đẹp mặt với họ hàng đôi bên. Còn lại con sẽ cho em nó 1 cuốn sổ tiết kiệm 100 triệu làm vốn riêng về nhà chồng. Khoản này con không cho vợ con biết nên nhà mình đừng nói lộ với cô ấy làm gì, chỉ người nhà mình biết với nhau thôi'.
Em điếng người vì khoản tiền chồng nói 1 mà thất vọng với lời dặn của anh ấy với mọi người 10. Vẫn biết trước giờ anh gia trưởng nhưng em cũng không nghĩ anh lại lừa dối, coi thường vợ tới vậy.
Không muốn nhịn nhục thêm, em đẩy cửa đi thẳng vào trong khiến cả nhà anh ngây người nhìn con dâu. Chồng em mặt cũng biến sắc. Em tỉnh bơ mở túi lấy hộp đựng chiếc lắc tay đặt xuống bàn bảo: 'Vàng anh kêu em đi mua đó. Nhân đây con xin phép bố mẹ, hôm cưới cô út con không về dự đâu ạ. Trong mắt chồng con, anh ấy đã không xem con là vợ, không xem con là người trong gia đình thì con có về cũng chỉ là người thừa thôi'.
Tuyệt nhiên em không nhắc gì tới khoản tiền trăm triệu kia nhưng cả bố mẹ chồng với chồng đều hiểu em đã biết chuyện và cũng hiểu em đang suy nghĩ gì. Mẹ chồng em biết ý 'chữa cháy' ngay. Bà quay sang mắng con trai hành xử như vậy là không được, rằng kinh tế gia đình là phải của chồng công vợ. Cho em gái quà cưới dù lớn hay nhỏ đều phải bàn bạc với vợ không thể tự quyết như thế.
Mấy hôm sau, cả mẹ chồng bố chồng đều liên tục gọi điện bảo em đừng giận chồng, khuyên nhủ con dâu hôm cưới em út nhất định phải về tham dự. Tất nhiên, ông bà nói vậy rồi, em không muốn thì vẫn phải tôn trọng các cụ. Với lại hôm ấy em nói thế cũng đã thể hiện cho chồng cũng như nhà chồng biết thái độ của em từ đó mà ông bà bảo ban lại con trai ăn ở, đối xử với vợ sao cho phải.
Đặc biệt với chồng, em nói rõ ràng luôn, nếu anh thích sống kiểu mạnh ai người ấy sống, tiền ai người ấy tiêu như thế thì tốt nhất ly hôn. Về sau anh ấy phải xuống nước nhận sai em mới nói chuyện lại".
Cuộc sống hôn nhân vốn cần nhất là sự tôn trọng giữa đôi bên. Nhất là với phụ nữ, khi kết hôn, họ luôn nhận phần thiệt thòi, chấp nhận hi sinh vất vả chồng. Điều duy nhất họ mong mỏi là có được sự trân trọng từ phía bạn đời. Tiếc rằng người chồng trong câu chuyện trên lại không đủ tâm lý mà thấu hiểu cho suy tư của vợ mới khiến cô phải buồn lòng suy nghĩ. Hi vọng sau chuyện này, anh sẽ rút ra kinh nghiệm cho bản thân để sau này tránh làm vợ mình phải đau lòng thêm.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)