Phát hiện bệnh tình cờ
Chị Nguyễn Thị Hà (28 tuổi, Bắc Ninh) đi khám sức khỏe để làm hồ sơ xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Chị Hà cho biết khi khám ở tỉnh bác sĩ ghi viêm tuyến giáp và sau đó hồ sơ bị trả yêu cầu kiểm tra lại tuyến giáp lần nữa.
Chị Hà đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám. Kết quả sinh thiết lần thứ nhất nghi ngờ ung thư tuyến giáp và lần thứ hai vẫn là chẩn đoán ung thư tế bào biểu mô tuyến giáp.
Khi nghe bác sĩ chẩn đoán ung thư, chị Hà suy sụp vì tương lại như đóng lại với chị. Chị Hà học trung cấp y, sau một thời gian tìm hiểu chị quyết định nộp hồ sơ đi sang Nhật Bản là điều dưỡng, nhưng ung thư đồng nghĩa mọi hi vọng về nghề của chị đều dừng lại.
Chị Hà đã phẫu thuật từ tháng 3, hiện nay chị vẫn đang điều trị i ốt phóng xạ.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị M (63 tuổi, quê quán Kiến Xương, Thái Bình) được chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Bà M cho biết, trước đó bà không có dấu hiệu gì ngoài khàn tiếng. Bà M đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khám bác sĩ phát hiện có u tuyến giáp đang phát triển, di căn hạch.
Sinh thiết là ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá. Đây là một thể bệnh cực kỳ nguy hiểm, tương lượng xấu, bệnh nhân chỉ sống được khoảng 6 đến 8 tháng từ khi phát hiện bệnh.
Đến nay, bà M phát hiện được 1 tháng và vẫn đang điều trị phương pháp xạ trị để hạn chế di căn xa hơn.
Tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, nhiều bệnh nhân ung thư tuyến giáp được phẫu thuật và đa số người bệnh đều không hay dấu hiệu gì khác ngoài thấy có u lạ ở cổ hoặc thấy khàn tiếng, khó thở.
Dấu hiệu của bệnh
PGS Lê Minh Kỳ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp đang có xu hướng ngày gia tăng. So với các ung thư khác, ung thư tuyến giáp được phát hiện sớm hơn và chủ yếu do bệnh nhân tình cờ đi khám bệnh và sinh thiết tuyến giáp mới biết có tế bào ung thư.
Dù là bệnh ung thư không phổ biến như ung thư vú, ung thư phổi và gan nhưng ung thư tuyến giáp cũng chiếm tỷ lệ lớn, đến 90 % ung thư hệ nội tiết.
Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tuyến giáp ngày càng tăng. Nhưng đáng chú ý, phụ nữ đối mặt với nguy cơ phát triển bệnh này gấp 8 lần so với nam giới.
Ung thư tuyến giáp có thể chia làm hai nhóm khác nhau đó là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Trong đó thể ung thư tuyến giáp không biệt hóa tiên lượng rất xấu, bệnh nhân có thể tử vong sau vài tháng vì đặc điểm bệnh di căn nhanh.
Với bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa thì tỷ lệ điều trị thành công khoảng 90 % bệnh nhân sống trên 5 – 10 năm.
Theo PGS Kỳ dấu hiệu để nhận biết ung thư tuyến giáp đó là khàn tiếng, có u ở cổ phần dưới yết hầu nhưng u này không di chuyển khi nuốt, còn u lành tính sẽ di chuyển khi ta nuốt nước hoặc thức ăn.
Yếu tố gây bệnh ung thư tuyến giáp là do nhiễm phóng xạ từ bên ngoài khi dùng tia phóng xạ để điều trị bệnh hoặc bị nhiễm vào bên trong cơ thể qua đường tiêu hóa và đường hô hấp do i-ốt phóng xạ.
Do sự thay đổi hormone, ở nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Sự chênh lệch này là do yếu tố hormone đặc thù ở phụ nữ và quá trình mang thai đã kích thích quá trình hình thành bướu giáp và hạch tuyến giáp.
Ngoài ra, ung thư tuyến giáp cũng có thể do di truyền, nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình như anh chị, bố mẹ bị bệnh này. Bệnh viện Bạch Mai đã từng ghi nhận cả hai chị em sinh đôi cùng mắc ung thư tuyến giáp.
Để xác định u tuyến giáp, mỗi người có thể tự sàng lọc bằng cách đứng trước gương với ba bước:
Bước 1: Bạn đứng ở trước một gương to và nhìn thẳng phần vùng cổ khu vực ngay dưới yết hầu của nam giới.
Bước 2: Hơi ngẩng đầu lên ngửa đầu ra phía sau và nhìn vào tuyến giáp.
Bước 3: Lấy một cốc nước và từ từ uống cốc nước đó. Trong quá trình nuốt nước bạn quan sát phát hiện xem có bất thường nào khác như phình ra hay lõm vào. Nếu có hiện tượng trên là tuyến giáp xuất hiện khối u.
Theo Tiểu Nhã (Soha/Trí Thức Trẻ)