An cung ngưu hoàng hoàn vốn là bài thuốc y học cổ truyền có từ lâu của Trung Quốc, có các vị chính như: sừng tê giác, sỏi mật bò, xạ hương. Tuy nhiên, hiện nay, sừng tê giác đã được thay bằng sừng trâu; sỏi mật bò tự nhiên hầu như không có nên thay bằng sỏi nhân tạo. Xạ hương cũng có nhiều loại: tự nhiên hoặc tổng hợp. Bài thuốc này cũng gồm có cả các thành phần như: hùng hoàng, chu sa, xạ hương...
Đây đều là các dược liệu có độc tính và khi dùng phải có sự kiểm soát chặt chẽ về liều dùng, đường dùng, người dùng và phải có sự tư vấn của bác sĩ Đông y.Hiện nay, nhiều người đã mua, dự trữ an cung ngưu hoàng hoàn với giá khá đắt đỏ và coi đây như một bảo bối trong nhà với niềm tin “thần dược” này có thể trị được bệnh đột quỵ.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho bết, trên thực tế loại thuốc này không có tác dụng phòng đột quỵ như nhiều người lầm tưởng. Hơn thế nữa, với các trường hợp đột quỵ có chỉ định dùng an cung ngưu hoàng hoàn thì cũng cần hết sức thận trọng.
An cung ngưu hoàng hoàn chống chỉ định cho các trường hợp tai biến mạch máu não, viêm não thể thoái chứng và thể chảy máu vào não thất của tai biến mạch máu não, người thể hàn, dương hư, tỳ vị hư hàn, phụ nữ có thai, người suy giảm chức năng gan, thận. Ngay cả với người bệnh nhồi máu não nếu dùng tùy tiện cũng có nguy cơ chảy máu bên trong vùng nhồi máu. Ở bệnh nhân xuyết huyết có thể khiến tình trạng xuất huyết nặng nề thêm.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đột quỵ có hai thể khác nhau. Một là, đột quỵ thiếu máu cục bộ não - chiếm khoảng 85%, xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do vữa xơ động mạch. Hai là, đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 15%, xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não.
Trong khi đó, An cung chỉ có tác dụng đối với thể đầu tiên - thể nhồi máu. Riêng thể chảy máu não tuyệt đối không được dùng sản phẩm này, bởi chúng sẽ làm tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trầm trọng hơn. Trong thực tế quá trình điều trị, các bác sĩ đã gặp nhiều bệnh nhân đã hôn mê, xuất huyết nặng sau khi người nhà cho uống An cung.
Theo PGS. Chi, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đột quỵ được đưa vào Khoa Cấp cứu tại BV Bạch Mai có xu hướng gia tăng, khoảng 30-40 bệnh nhân mỗi ngày. Thời tiết nắng nóng được cảnh báo là yếu tố làm gia tăng căn bệnh nguy hiểm này. Đặc biệt, nguy cơ đột quỵ có thể gặp ở cả những người trẻ tuổi.
Các bác sĩ cho bết, trên thực tế An cung ngưu hoàng hoàn không có tác dụng phòng đột quỵ như nhiều người lầm tưởng. Hơn thế nữa, với các trường hợp đột quỵ có chỉ định dùng an cung ngưu hoàng hoàn thì cũng cần hết sức thận trọng.
GS.TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đội quỵ Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Quân đội 108 cũng cảnh báo, tuyệt đối không tự ý cho người đột quỵ uống An cung ngưu hoàng hoàn hoặc uống loại thuốc này để dự phòng đột quỵ. Trong quá trình điều trị, GS. Thông cho biết đã từng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu vì nhiễm độc thạch tín, thủy ngân sau khi uống An cung ngưu hoàng hoàn.
Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng gặp nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não không qua khỏi, hoặc để lại di chứng nặng nề do uống An cung ngưu hoàng hoàn. TS Nguyễn Gia Bình-Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là những bệnh nhân bị xuất huyết não, được người nhà cho uống thuốc An cung ngưu hoàng hoàn trước khi nhập viện. Hậu quả là máu chảy ồ ạt, bác sĩ cũng không thể cứu được người bệnh. Trường hợp cứu được thì di chứng để lại rất nặng nề.
Theo Hòa Thuận (Tiền Phong)