Mắc thêm bệnh vì Tết
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế lâm sàng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong các năm trước, anh gặp nhiều trường hợp bệnh nhân bị tăng đường huyết quá mức do ăn nhiều chất béo, chất đạm và đồ ngọt trong kỳ nghỉ Tết. Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng mệt mỏi, thậm chí toan ceton máu vì đường huyết tăng cao.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Diêm Thị Thanh Thủy - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cũng cho biết thực phẩm ngày Tết rất đa dạng. Trong khi đó, hàng triệu người Việt Nam đang bị đái tháo đường nhưng không biết, nên vẫn vô tư ăn uống. Sau kỳ nghỉ dài, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mờ mắt, lở loét chân tay, đi cấp cứu vì đường máu tăng cấp tính.
Bác sĩ Thủy cho biết quan điểm của người dân từ xa xưa coi thời điểm này là "ăn Tết". Vì vậy, vào những ngày này, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị rất nhiều đồ ăn như bánh chưng, giò, chả, thịt, kẹo bánh, nước ngọt.
Hiện nay, chuyên gia này cho rằng cần thay đổi quan điểm "ăn Tết" sang "chơi Tết". Bởi bánh chưng hay các thực phẩm quen thuộc trong kỳ nghỉ này không còn hiếm mà chúng ta có thể mua bất cứ lúc nào. Do đó, việc mua và ăn quá nhiều các loại thực phẩm trên trong thời gian ngắn có thể làm hại sức khỏe.
Quản lý dinh dưỡng ngày tết
Bác sĩ Hưng việc quản lý thực đơn, dinh dưỡng những ngày Tết rất quan trọng. Mọi người cần duy trì thực đơn ăn uống theo đủ nhóm tinh bột, đạm, chất béo. Các loại thực phẩm giàu năng lượng như bánh kẹo, bánh chưng chỉ sử dụng hạn chế, trong tầm kiểm soát.
Bệnh nhân có mắc các bệnh mạn tính như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp không cần kiêng thực phẩm gì nhưng nên ăn lượng nhỏ các món bánh chưng, thịt gà, giò chả. Bữa cơm vẫn cần duy trì sự đa dạng thực phẩm, bổ sung thêm rau xanh, trái cây.
Một người bình thường nếu không giảm cân, bạn cần nạp khoảng 2.000 calo/ba bữa. Như vậy, mỗi bữa bạn nên ăn khoảng 600 đến 650 calo. Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ Tết, bạn ăn uống lai rai nhiều hơn nên bữa chính cần giảm calo. Ví dụ, bánh chưng vuông cỡ vừa chia làm 8 miếng, một miếng bánh tương đương khoảng 200 calo bằng một bát cơm trắng. Nếu đã ăn bánh chưng bạn không nên ăn thêm cơm.
Ngoài ra, người dân nên hạn chế các thực phẩm ngày Tết giàu chất béo như thịt đông, nem rán, giò, chả. Bởi việc tiêu thụ liên tục các món này sẽ làm mất kiểm soát năng lượng nạp vào cơ thể, gây tăng cân sau Tết. Để bảo vệ sức khỏe, theo bác sĩ Thủy, khi sắm Tết chúng ta có thể áp dụng một số tiêu chí:
- Mua thực phẩm vừa đủ theo tiêu chí 2 rau, 1 thịt. Chuẩn bị mâm cơm cúng đơn giản, ít để không dư thừa thực phẩm.
- Hạn chế ăn nhiều bánh chưng. Loại bánh này có hàm lượng calo rất cao vì nó được làm từ đỗ xanh, gạo nếp, thịt mỡ. Bánh chưng ninh rất lâu nên gạo đã được thủy phân thành đường đơn glucose, dễ dẫn đến tăng đường huyết.
- Không mua nhiều bánh kẹo, nước ngọt có gas, bia rượu, đồ ngọt. Các loại thực phẩm này không chỉ làm tăng cân còn làm gia tăng các bệnh lý viêm nhiễm sẵn có.
- Luyện tập thường xuyên. Dù đi chơi, bạn cũng cần duy trì thời gian luyện tập 30 phút mỗi ngày, bạn có thể tắm nắng, vận động để cơ thể tiết ra các hormone giúp giảm stress, mệt mỏi.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)