Đối với nhân viên văn phòng, người trẻ tuổi thường lựa chọn bánh rán, bánh mì, mì gói, xôi.... Đối với một số người cao tuổi, họ thích ăn cháo hoặc bún, phở vào buổi sáng, tuy nhiên những bữa sáng kiểu này không phải bữa ăn tốt nhất cho các cơ quan và hệ thống khác nhau trong cơ thể như đường tiêu hóa và hệ tim mạch.
Vì vậy, muốn bảo vệ đường tiêu hóa và sức khỏe tim mạch, mạch máu thì bạn phải chú ý đến việc lựa chọn thực phẩm cho bữa sáng. Chuyên gia dinh dưỡng Tằng Dao Trì, Phó Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học cổ truyền Thâm Quyến, đề xuất 3 loại bữa sáng rất tốt cho dạ dày và mạch máu.
1. Bữa sáng với ngũ cốc, trái cây và rau
Dù là thanh thiếu niên hay người trung niên, cao tuổi, bữa sáng cũng nên dùng ngũ cốc và rau củ quả là thực phẩm chính. Ví dụ, thực phẩm chính là kiều mạch, yến mạch và ngũ cốc nguyên hạt được kết hợp với một số trái cây tươi và rau quả. Nếu bạn có thời gian có thể nấu cháo với ngũ cốc nguyên hạt, ăn thêm một số loại rau, chẳng hạn như cà chua, bông cải xanh hoặc các loại rau lá xanh khác, và ăn thêm một hoặc nửa quả táo.
Bữa sáng được chế biến theo phương pháp kết hợp này đặc biệt giàu dinh dưỡng, có thể cung cấp cho cơ thể nhiều chất bột đường, nhưng cũng chứa nhiều vitamin và các nguyên tố khoáng khác nhau. Nó có thể nuôi dưỡng dạ dày và ruột, cũng có tác dụng duy trì nhất định đối với sức khỏe mạch máu.
Nếu không thích bữa sáng trên, bạn có thể dùng sữa ngâm với yến mạch và kết hợp với một ít bánh mì nguyên cám. Sau đó làm món salad với xà lách, kiwi, cà chua, táo và các loại rau củ quả khác, vừa có tác dụng bồi bổ dạ dày, vừa duy trì sức khỏe của tim mạch và mạch máu não.
2. Bữa sáng chất lượng cao dựa trên protein
Đối với trẻ em trong độ tuổi đi học, thanh thiếu niên và người trung niên, bữa sáng phải ăn nhiều thực phẩm giàu protein chất lượng cao như các sản phẩm từ sữa, các sản phẩm từ đậu nành và một số loại trứng. Nhóm người này có nhu cầu về dinh dưỡng tương đối lớn, một khi bữa sáng thiếu chất đạm chất lượng cao sẽ cảm thấy khó chịu. Năng lượng của cơ thể con người phụ thuộc vào sự hỗ trợ của protein chất lượng cao, nếu thiếu protein sẽ khiến con người suy giảm khả năng miễn dịch, suy nhược tinh thần.
Đối với trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh thiếu niên, có thể uống một cốc sữa nóng nguyên chất vào buổi sáng, kết hợp với 1 đến 2 quả trứng luộc chín. Ngoài ra, một số thực phẩm giàu tinh bột nên được kết hợp đúng cách, chẳng hạn như bánh mì nướng hoặc bánh hấp. Các chất dinh dưỡng như tinh bột và đường trong những thực phẩm này không những cung cấp nhiều năng lượng cho não bộ và tế bào thần kinh mà không gây gánh nặng lớn cho đường tiêu hóa và mạch máu.
3. Bữa sáng ấm và dễ tiêu hóa
Đối với người cao tuổi, người tiêu hóa yếu và mắc các bệnh mãn tính về mạch máu, tốt nhất nên chọn bữa sáng ấm bụng, dễ tiêu và đủ chất dinh dưỡng. Ví dụ, bạn có thể sử dụng rau, tôm và một ít thịt băm để làm hoành thánh, hoặc làm món phở kết hợp thịt và rau. Những thực phẩm này chứa cả carbohydrate, protein, vitamin và các nguyên tố khoáng chất khác. Nó không những có thể cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể con người mà còn không gây gánh nặng cho đường tiêu hóa. Tuy nhiên lưu ý không nên nêm nếm quá nhiều vào phở để tránh ăn quá nhiều muối và nên bổ sung thêm rau để có đủ chất xơ.
Tóm lại, ăn những thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng vào buổi sáng vừa có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác nhau cho não và cơ thể, duy trì hoạt động của dạ dày, thúc đẩy nhu động ruột vừa có thể ngăn ngừa một số bệnh tim mạch và mạch máu não. Ngoài ra, trong việc lựa chọn thực phẩm cho bữa sáng, lưu ý không nên ăn nhiều thực phẩm chiên, xào, thực phẩm cay hoặc thực phẩm lạnh.
Những điều cần tránh khi ăn sáng
Hiện nay nhiều người đã thấy được tầm quan trọng của bữa ăn sáng, tuy nhiên không ít người ăn sáng không đúng cách gây hại đến sức khỏe của mình. Dưới đây là một số điều cần tránh khi ăn sáng:
Ăn sáng ngay sau khi thức dậy: Nhiều người có thói quen ăn sáng ngay khi vừa thức dậy. Nhưng ăn sáng quá sớm không những không có lợi cho cơ thể và còn ảnh hưởng đến dạ dày. Sau một giấc ngủ dài, hầu hết các cơ quan của cơ thể vẫn lưu lại một phần của bữa ăn tối. Cơ quan tiêu hóa vẫn cần thời gian để “xử lý” và hấp thụ nốt phần ăn đó. Nếu bạn ăn bữa sáng quá sớm, thức ăn sẽ chất chồng với nhau, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Không nên ăn trái cây thay thế bữa sáng, vì trái cây chứa ít protein và calo nên không thể cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo ra năng lượng và duy trì sự trao đổi chất bình thường của cơ thể.
Nếu thức dậy sớm thì tốt nhất nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể. Sau đó khoảng 20 đến 30 phút mới nên ăn sáng.
Ăn sáng quá muộn: Không chỉ khiến bạn mất cảm giác ngon miệng vì cơn đói đã đi qua mà còn khiến cho cơ thể không hấp thu được những dưỡng chất có trong thực phẩm, gây rối loạn đồng hồ sinh học trong cơ thể. Tốt nhất nên ăn sáng trước 9 giờ.
Ăn vặt thay cho bữa sáng: Không nên dùng đồ ăn vặt như bánh quy, chocolate... thay cho đồ ăn sáng. Đồ ăn vặt sẽ khiến việc tiêu hóa của cơ thể bị ảnh hưởng, bởi buổi sáng cơ thể luôn trong trạng thái thiếu nước còn đồ ăn vặt lại rất khô. Đồ ăn vặt chỉ cung cấp năng lượng tạm thời, trong một thời gian ngắn. Ăn sáng với các loại thực phẩm khô dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cũng như sự suy giảm về thể chất, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh.
Ăn nhiều thịt: Nhiều người cho rằng, nếu bữa ăn sáng không ăn thịt sẽ dễ bị đói vì không cung cấp đủ calo. Bạn không nên ăn nhiều thịt hay nhiều dầu vào bữa sáng. Bởi những loại thức ăn này chứa nhiều protein và chất béo nên không tốt cho dạ dày.
Ăn đồ ăn thừa từ hôm trước: Không ít người dùng ăn đồ ăn còn lại tối hôm trước cho bữa sáng để tiết kiệm, an toàn. Thực tế, đây là một quan niệm sai lầm. Thức ăn không giữ lại giá trị dinh dưỡng toàn vẹn sau thời gian dài lưu trữ, thậm chí thức ăn qua đêm có thể sản sinh ra chất độc và vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Ăn trái cây thay cho bữa sáng: Nhiều người có thói quen ăn bữa sáng bằng trái cây, đặc biệt là chị em phụ nữ muốn giảm cân. Điều này không nên vì trái cây chứa ít protein và calo nên không thể cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo ra năng lượng và duy trì sự trao đổi chất bình thường của cơ thể. Ngoài ra, các loại trái cây như quả hồng vàng, cà chua, chuối... không thích hợp để ăn khi đói, gây hại cho dạ dày và tiêu hóa.
Ăn đồ ăn lạnh: Buổi sáng, cơ bắp, thần kinh và mạch máu của cơ thể đang trong trạng thái co lại, nếu bạn ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông. Tình trạng này kéo dài sẽ gây khó chịu ở đường tiêu hóa, thậm chí gây táo bón, da trở nên xấu hơn hoặc thậm chí có đờm ở cổ họng. Thay vào đó nên thưởng thức một tô cháo nóng, bánh mì, ngũ cốc nóng, sữa nóng.
Vừa đi vừa ăn: Nhiều người (đặc biệt là dân văn phòng) do buổi sáng không có thời gian nên tranh thủ vừa ăn vừa đi bộ hoặc ăn khi chờ xe buýt... Đây là một thói quen không có lợi cho cơ quan tiêu hóa, nhất là tăng nguy cơ đau dạ dày.
PN (Nguoiduatin.vn)