Đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão: Báo hiếu chứ không bất hiếu?

10/11/2021 16:29:29

Bạn đọc tên Nghĩa chia sẻ từ góc nhìn của một người con trai: "Ủng hộ quan điểm đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão... Đâu phải tự tay chăm sóc mới là báo hiếu".

Đó cũng chính là chia sẻ của khá nhiều độc giả VietNamNet sau khi đọc những dòng tâm sự của bạn Lý Thu Thuỳ trong bài viết Đưa bố mẹ chồng vào viện dưỡng lão: Tôi bất hiếu?

"Vào viện dưỡng lão là đúng!"

Tán đồng quan điểm của bạn Nghĩa, độc giả Nguyễn Quang Sáng chia sẻ: "Vào viện dưỡng lão là đúng. Nơi đó các cụ được chăm sóc chu đáo, kiểm tra sức khỏe tốt hơn... Cơ bản là chọn chỗ có uy tín!". 

Độc giả tên Lợi cũng tán thành việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão nếu các con không đủ điều kiện chăm sóc: "Không phải cứ tự tay chăm sóc mới là có hiếu. Lựa chọn chăm sóc nào tốt hơn, có ích hơn cho bố mẹ mới là có hiếu.

Tôi cho rằng ở hoàn cảnh của anh chị này thì tìm được một cơ sở dưỡng lão phù hợp việc chăm sóc bệnh và sức khỏe cho bố mẹ già sẽ có nhiều ích lợi cho cả gia đình. Trường hợp không tìm được cơ sở phù hợp thì dứt khoát phải thuê người giúp việc. Duy trì, kéo dài tình trạng hiện nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của không chỉ ông bà già mà là cả gia đình; chưa kể sẽ ảnh hưởng đến học tập của con cái, công việc của vợ chồng".

Chia sẻ câu chuyện của mình, độc giả Thanh Chuong cho biết: "Tôi muốn đưa bố vào trại dưỡng lão VIP. Ở đó có bác sỹ, y tá và điều dưỡng. Nhưng cả nhà đều phản đối. Nhất là vợ tôi sợ tốn tiền... Bạn thì ngược lại, tội cho bạn. Cũng là do quan điểm thôi".

Chung quan điểm, bạn Thanh Miên tâm sự: "Chỉ sợ không có tiền để đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão, chứ đưa bố mẹ vào đó được thì tốt quá đi chứ; có người chăm sóc các cụ đâu ra đấy, ăn uống nghỉ ngơi đúng giờ đúng giấc, không gian lại thoáng đãng, trong lành hơn ở nhà thành phố nhiều".

"Việc người già vô sống trong trại dưỡng lão hiện đang là suy nghĩ tích cực của rất nhiều người, vì khi vô đó họ có bạn bè - người chăm sóc - người động viên an ủi khi buồn... Còn ở nhà: con cháu đi làm, đi học từ sáng tới tối, còn đâu thời gian để chăm sóc và trò chuyện với cha mẹ. Xã hội ngày càng phát triển thì tư duy và nếp nghĩ của chúng ta cũng cần thay đổi theo để không bị lạc hậu. Hãy làm những gì tốt đẹp nhất cho cha mẹ nếu những việc đó không trái đạo lý làm người”, một độc giả viết.

Bạn Cuongthinhmeoco cũng khẳng định: "Vào viện dưỡng lão là cách báo hiếu tân tiến, hiện đại và thông minh". Trong khi đó, bạn Thuỳ Dương đưa ý kiến: "Chắc nhiều người không biết ở viện dưỡng lão còn tốn chi phí hơn ở nhà nhiều. Tuy nhiên, ở đó các ông bà, đặc biệt những người có bệnh sẽ được ăn uống, chăm sóc, sinh hoạt tỉ mỉ, điều độ... Đấy là điều mà người ở nhà không làm được. Thế nên chẳng biết đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu hay báo hiếu đâu!".

Đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão: Báo hiếu chứ không bất hiếu?

"Đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu"

"Đúng là bất hiếu, ba mẹ sinh ra đau đớn chắt chiu nuôi dạy con cái chọn lựa thầy giỏi gởi gắm cho học. Về già bố mẹ lại phải sống hiu quạnh, một mình trong nhà dưỡng lão, không được vui cùng con cháu.

Mình ruột thịt mà không chăm sóc được, làm sao người dưng có tình thương mà chăm chu đáo nhất là khi ốm đau? Ly hôn là đúng, vì liệu sau này, người chồng ốm đau bất ngờ, cô vợ này có kiên trì chăm không? Nếu lúc trẻ biết con hành xử như thế này, thì bao nhiêu bà mẹ có muốn sinh con không?", độc giả Lê Hùng gay gắt.

Các độc giả như Bạch Thu Hiền, Hồng Hà... cũng viết: "Ông bà đang vui vầy bên con cháu mà phải vào trại dưỡng lão, ai mà vui nổi?".

Cùng chung quan điểm, một độc giả nhấn mạnh: "Trong lúc khó khăn nhất mới thể hiện và bộc lộ tình người, tình cảm và cách đối xử của con dâu. "Đường dài mới biết ngựa hay", mới khó khăn thế đã ăn thua gì mà kêu ca, kể lể phàn nàn. Bố mẹ mình mà mình không muốn chăm, không chăm được thì ai chăm cho.

Lúc này cụ cần sự quan tâm, tình cảm của con cái chứ đâu cần ăn uống, tiền bạc. Gửi cụ vào trung tâm dưỡng lão quá đơn giản. Nhưng mà vài hôm rồi đưa cụ về nơi... cho khoẻ, rảnh tay. Cô có nhà cao để lau nhà đến mệt là cô còn hạnh phúc, nhiều người không có nhà mà lau đâu nhé mà họ vẫn vượt qua. Nên nhớ khi khoẻ, cụ lo kiếm tiền để xây dựng tổ ấm gia đình, con cháu. Cụ mới đổ bệnh mà đã tính chuyện cho cụ vào trung tâm, thật đáng trách".

Tìm phương án để trọn nghĩa tình

Bên cạnh những lời khen chê ý định của chị Lý Thu Thuỳ nhiều độc giả đưa ra phương án giúp chị Thùy giải quyết vấn đề được trọn vẹn.

“Thật sự, nếu chồng chị muốn chăm sóc bố mẹ tại nhà thì cũng được thôi. Anh ấy có thể chi tiền mời điều dưỡng tới tận nhà để chăm sóc ông bà, hoặc đơn giản hơn thì thuê giúp việc. Ai lại để việc chồng chất lên một mình vợ”.

Chung quan điểm nên tìm người hỗ trợ, bạn Duong Carry trao đổi: “Chăm người ốm ai trải qua mới thấu hiểu. Nhiều lúc muốn chăm cho trọn nghĩa vẹn tình với bố mẹ… nhưng như bạn biết toàn việc không tên, bản thân vừa lo kiếm sống vừa lo cho bố mẹ thì sẽ rất khó. Hướng đi tốt nhất là thuê giúp việc. Còn gia đình bên chồng những người không làm nói thì hay lắm, để họ chăm chắc gì đã được 1 ngày.

Ở Việt Nam việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão theo suy nghĩ là rất tiêu cực, bất hiếu... Vì vậy bạn nên chia sẻ gia đình chồng thuê giúp việc may ra trọn cả đôi đường. Mình còn lo cho sức khỏe gia đình mình nữa chứ”.

Không ít độc giả cao tuổi cũng tham gia bình luận ví như bác Nguyễn Tân Vương: “Tôi 61 tuổi, tôi cũng có 1 con trai duy nhất, hiện nay tôi đã có 1 cháu nội giống như hoàn cảnh của bố mẹ cháu. Tôi tâm sự để cháu tham khảo. Vợ chồng tôi đã có kế hoạch sống từ nay về sau: sau khi 1 người mất thì phương án sống với con hay vào trại dưỡng lão tùy theo hoàn cảnh. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ người già được ở gần con cháu là tốt nhất.

Con cái không có trách nhiệm nuôi dưỡng bố mẹ là bất hiếu, đó là đạo lý của con người, tôi nghĩ vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp của cháu, nếu nuôi dưỡng bố mẹ ở nhà mà có nguy cơ ảnh hưởng hạnh phúc gia đình thì nên có phương án khác.

Theo tôi, có 2 phương án: đưa bố mẹ vào trại dưỡng lão hoặc thuê người giúp việc tại nhà. Trong trường hợp nhà cháu, phương án 2 có vẻ ổn hơn, chồng cháu và các cô bác bên chồng cũng ủng hộ vì thấy cháu và chồng làm tròn đạo hiếu. Tuy nhiên, cháu nên hỏi nguyện vọng của bố mẹ trước”.

Không phải lời kết của câu chuyện nhưng tin rằng các ý kiến nêu trên đều rất đáng suy ngẫm với những người đang trăn trở chuyện chăm sóc cha mẹ tuổi cao sức yếu thế nào!

Theo Lê Cúc (VietNamNet) 

 

Nổi bật