Bạn có bao giờ nghĩ vừa về ra mắt nhà chồng tương lai đã được "nắn gân" bằng đủ mọi yêu cầu vượt sức tưởng tượng? Như tình huống cô gái trong câu chuyện dưới đây gặp phải thì hẳn ai cũng sẽ phải phân tâm, suy nghĩ.
Cô kể: "Cách đây vài ngày, V. đưa em về nhà anh ra mắt. Hôm ấy em được mẹ chồng tương lai quay cho mấy vòng, phỏng vấn hỏi nghề nghiệp, lương lậu, bố mẹ gia đình xong thì chuyển sang vòng 2, thử tài nấu nướng, rửa bát. Bà khéo lắm, không cho V. đỡ việc bạn gái đâu. Bà chỉ việc cho em xong là kéo con trai lên nhà. V. mà lảng vảng đi xuống, bà gọi lên luôn.
Tới lúc ăn uống xong, cả nhà ngồi kể chuyện bàn tới việc cưới xin của 2 đứa. Mẹ V. bảo rằng nhà bác ấy chỉ đứng ra tổ chức cho 2 đứa, còn chi phí cho hôn lễ em với V. phải tự lo. Nhà V. có quy định từ trước, bố mẹ anh chỉ nuôi con cái ăn học, tới khi ra trường đi làm rồi thì mọi thứ tự liệu. Anh trai V. lúc trước cưới vợ cũng thế, phải tự lo tất cả chi phí.
Bà cũng nói rằng từ ngày đi làm V. đã gửi tiền lương cho bà giữ, hai đứa xác định cưới, em cũng phải có trách nhiệm đóng góp cùng từ bây giờ. Ý bà bảo em hàng tháng phải trích lương của mình cùng V. đưa cho bà. Thậm chí bà cũng gợi ý bóng gió rằng sau này về làm dâu nhà bà, vợ chồng em vẫn đưa tiền bà giữ. Anh trai chị dâu V. đều như vậy".
Cô gái kể, nghe mẹ bạn trai nói thế cô khá bất ngờ. Thực tế, nếu bố mẹ không có điều kiện kinh tế, cô sẵn lòng chung tay chuẩn bị tài chính cùng bạn trai lo hôn sự nhưng không phải theo cách mẹ anh nói là góp tiền đưa bà cầm ngay từ giờ. Đặc biệt cô không đồng ý đề nghị của bà là sau này về làm dâu, vợ chồng cô cũng phải đưa kinh tế cho bà giữ theo "lệ" gia đình.
"Không tán thành với yêu cầu của mẹ chồng tương lai, em nói rõ luôn quan điểm của bản thân rằng chi phí đám cưới 2 đứa em tự tính toán cho chủ động, em không góp tiền đưa bà như vậy. Tất nhiên, em cũng nói khéo luôn để bà hiểu sau cưới em cũng sẽ tự quả lý kinh tế vì bọn em đã là gia đình riêng. Mẹ V. nghe thế, bà khó chịu ra mặt nên chỉ à ừ rồi đứng dậy về phòng.
Hôm ấy về nhà, V. nhắn tin cho em rằng anh không vui với cách hành xử của em khi ở nhà anh ấy. Anh nói mẹ anh không chấp nhận được thái độ của em đối với nhà chồng tương lai. V. bảo em cứng đầu, mới về ra mắt đã thái độ chống đối lại mẹ chồng. Nói chung trong bất cứ tin nhắn nào V. cũng kèm câu mẹ anh bảo em thế này, mẹ anh nói em thế kia.
Ức chế em nói lại rằng anh đừng có lúc nào cũng nói lại lời mẹ như thế, hãy cư xử như 1 người đàn ông trưởng thành. Không ngờ V. bảo em: 'Mẹ anh nói không sai, em đúng là rắn mặt. Mẹ bảo anh không rắn tay với em từ đầu thì sau khó dạy vợ. Tóm lại nếu em góp tiền cùng anh đưa cho mẹ luôn từ giờ thì mình cưới, không thì thôi. Sau này kết hôn cũng làm theo ý mẹ, em đừng có bướng'.
Ôi đọc xong tin nhắn của bạn trai mà em tối mắt luôn. Bực mình, em nhắn lại: 'Tôi trả lời lần cuối cho anh rõ, sẽ không có chuyện tôi gửi tiền mẹ anh giữ cả bây giờ cũng như về sau. Nếu anh đủ trưởng thành thì mình cưới, không thì thôi'.
Hiện em với V. vẫn đang căng thẳng, V. nói em cứng đầu còn em nhất quyết không thể làm theo yêu cầu của mẹ con anh. Thực sự nếu V. không trưởng thành lên, em sẽ chọn cách chia tay không nuối tiếc".
Điều phụ nữ mong mỏi nhất trong hôn nhân chính là sự tôn trọng, thấu hiểu của bạn đời. Họ cần 1 người đàn ông trưởng thành để thương yêu và che chở cho vợ. Ngược lại, chàng trai trên lại thể hiện cho người yêu mình thấy anh dường như quá phụ thuộc mẹ khiến cô không tìm thấy vị trí của mình trong lòng anh cũng như anh không thể hiện được bản thân có thể là điểm tựa vững chắc cho vợ tương lai. Do vậy bạn gái anh lăn tăn, lo ngại cho cuộc hôn nhân giữa hai người là điều dễ hiểu.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)