Về làm dâu nhà Thành, tôi mới biết mẹ chồng là người tham tiền, thực dụng. Một lần, tôi lén nghe được bà nói chuyện với chồng về tôi: "Con Thư ấy mà không có gia đình khá giả thì còn lâu mẹ mới cho mày lấy nó nhé. Chứ nhìn dáng dấp nó bé tẹo, yếu ớt, không biết sau này có sinh con trai cho cái nhà này được không?". Tôi nghe mà bực lắm, nhưng cũng không hỗn hào gì.
Ngay sau đám cưới, mẹ chồng đã gọi vợ chồng tôi ra để... dạy bảo con dâu từ thuở mới về. Việc đầu tiên bà đề cập là muốn giữ lương của tôi. Mẹ chồng nói, trước kia, khi Thành chưa lấy vợ, tháng nào anh cũng đưa lương cho bà đều đặn. Bây giờ tôi cũng nên làm thế.
- Mẹ chỉ giữ cho tụi bay, khi nào chúng mày cần mẹ đưa. Chứ vợ chồng trẻ, tiêu xài hoang phí, đến lúc có công kia việc nọ lại không có đồng nào thì khổ - bà tươi cười nói.
Nhưng trái với ý muốn của mẹ chồng, tôi thẳng thừng:
- Bây giờ chúng con đã lập gia đình, đã trưởng thành hết rồi mẹ ạ. Chính vì vậy, bọn con tự quyết định cuộc sống của mình. Con sẽ không đưa lương cho mẹ đâu. Cả anh Thành tháng sau cũng vậy. Nhân đây con cũng muốn xin ra ở riêng ạ. Chúng con đi làm giờ giấc thất thường. Ăn chung thì sợ bố mẹ phải đợi chờ, nên con đã bàn với chồng và thống nhất đi đến quyết định này ạ.
Nghe tôi nói mà sắc mặt của mẹ chồng thay đổi. Bà mím chặt môi để nuốt cục tức vào trong lòng. Nhưng mẹ chồng vốn chẳng thể làm gì được con dâu. Bởi những lời tôi nói quá đúng. Cuối cùng bà phải nhượng bộ cho vợ chồng tôi ra ở riêng. Tuy nhiên, vì sự thẳng thắn của mình, tôi giống như cái gai trong mắt mẹ chồng!
Không giữ được lương của con trai nữa, nhưng tháng nào mẹ chồng cũng sang xin chồng tôi tiền. Bà nhớ rõ ngày lĩnh lương của cả chồng và cả của tôi. Thành là người con có hiếu. Tháng nào anh cũng biếu bố mẹ 5 triệu. Vậy mà mẹ anh vẫn chưa thấy thỏa mãn. Bà liên tục than vãn rằng: "Tháng này chi tiêu tốn quá. Số này làm sao đủ...". Và tôi biết, Thành thường lén cho thêm mẹ sau lưng tôi.
Tháng trước, mẹ chồng đột ngột gọi tôi sang nhà và cho tôi vàng, những 2 cây vàng! Bà niềm nở nói: "Đây là số vàng mẹ dành dụm bằng tiền lương của Thành trong suốt thời gian qua. Bây giờ giao cho con giữ để vợ chồng có vốn làm ăn...".
Vốn biết mẹ chồng tham tiền, bà không lấy của người khác thì thôi, làm gì có chuyện lấy của mình đưa cho người. Nhưng tôi vẫn vui vẻ cầm về. Quả nhiên hơn 1 tháng sau thì sinh chuyện.
Hôm đó có cả chồng tôi ở nhà, mẹ chồng tất tưởi chạy sang nhà tôi và mượn lại số vàng đó. Bà nói, cậu út nhà chú họ đâm xe vào người ta, giờ họ đang bắt đền nên phải bồi thường gấp. Trong nhà hiện thời không có nhiều tiền thế nên đành sang mượn lại số vàng đã đưa cho tôi.
Thấy mẹ chồng có việc cần, tôi cũng không ngần ngại đưa cho bà. Hai vợ chồng tôi cũng muốn theo bà đến chỗ cậu út gây tai nạn, nhưng bà nhất quyết không cho đi. Mẹ chồng nói rằng sợ chúng tôi bị liên lụy bởi nhà nạn nhân hổ báo lắm!
Đi được khoảng 1 tiếng thì mẹ chồng giận dữ quay về, ném thẳng chỗ vàng kia vào người tôi rồi trợn mắt nói: "Tôi không ngờ chị là con người như thế. Lúc cơ nhỡ, chú Khoa mới sang vay tiền mà chị dùng vàng giả để đưa cho tôi à? Mau đưa vàng thật đây cho tôi. Cái tâm của chị đen tối, xấu xa quá, giờ tôi mới biết đấy".
Để cho bà mắng chán chê, tôi mới cất tiếng đáp lại: "Thế mà mẹ hiểu nhầm con rồi. Con nào đâu có dám thế. Biết mình hậu đậu nên ngay lúc mẹ đưa vàng cho con cầm về, con đã đưa cho chồng giữ rồi. Hôm qua cũng là anh ấy đưa cho mẹ mà. Két sắt nhà con chỉ có chồng biết mật khẩu. Số vàng thật kia bỗng hóa vàng giả thì mẹ phải hỏi tội chồng con chứ sao lại trách con? Hay là...".
Biết tôi không mắc kế do bà bày ra, mẹ chồng liền đổi giọng, ngồi thụp xuống dưới đất, khóc nức nở, vật vã lắm. Bà mếu máo: "Ô thế là vàng này mẹ bị người ta lừa à? Mẹ ham rẻ nên mua qua tay của người ta. Mẹ trách nhầm con dâu của mẹ rồi...".
Nhìn bà khóc đầy giả tạo mà tôi ngán ngẩm. Chồng biết tính của mẹ chồng nên ngay từ đầu anh cũng đã đoán được sự thật. Tuy vậy, Thành không muốn tôi làm to chuyện, sợ có nhiều đàm tiếu không hay.
Cuối cùng anh "chữa cháy" cho mẹ mình bằng lời nhắc nhở: "Con đã dặn mẹ bao lần rồi, đừng ham rẻ cái gì. Vàng bạc lại càng không. Thôi của đi thay người. Mình báo được công an thì tốt, không thì coi như bài học đắt giá". Tôi cũng thêm lời trâm chọc bà: "Đấy nhé, con mà đưa tiền cho mẹ cầm, mẹ lại cả tin người ta bị lừa hết thì sau cùng làm gì còn tiền. Mẹ thấy con nói đúng ngay từ đầu chưa?".
Mẹ chồng tôi bẽ mặt, lẩn thẩn ra về mà không nói được câu nào nữa!
Theo Hướng Dương HT (Nhịp Sống Việt)