Đột quỵ - Căn bệnh nguy hiểm và 3 'giờ vàng' thoát khỏi 'cửa tử' ai cũng cần biết

29/08/2022 09:39:38

3 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 3 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột. Nếu được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân sẽ được cứu sống và tránh những di chứng nặng nề.

Trước đây, đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi nhưng bệnh ngày càng trẻ hóa. Ngày càng có nhiều người trẻ mắc đột quỵ, nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…

 

Đột quỵ - Căn bệnh nguy hiểm và 3 'giờ vàng' thoát khỏi 'cửa tử' ai cũng cần biết
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dấu hiệu báo hiệu đột quỵ

- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.

- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.

- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.

- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.

- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ

- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn

Di chứng nguy hiểm của các cơn đột quỵ

Nếu như không được cấp cứu kịp thời, đột quỵ có thể để lại nhiều di chứng liên quan đến các cơ quan, hệ cơ quan khác nhau trên cơ thể người bệnh như:

- Tàn tật vĩnh viễn hoặc tạm thời, mức độ phụ thuộc vào khoảng thời gian mà não bị thiếu máu cục bộ và các bộ phận trên cơ thể bị ảnh hưởng do tế bào não bị tổn thương;

- Bị tê liệt, mất khả năng vận động một số cơ hoặc một số bộ phận;

- Mất khả năng giao tiếp, ngôn ngữ và cử động của miệng, gặp khó khăn khi nói hoặc nuốt.

- Suy giảm trí nhớ, nhận thức, khả năng suy nghĩ, khó khăn khi diễn đạt bằng lời;

- Ảnh hưởng đến tâm lý, người đã từng trải qua cơn tai biến sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, dễ thu mình và có thể bị trầm cảm.

Đột quỵ - Căn bệnh nguy hiểm và 3 'giờ vàng' thoát khỏi 'cửa tử' ai cũng cần biết - 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ

Thời gian vàng là khoảng thời gian tốt nhất để cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ, có tỷ lệ phục hồi cao và biến chứng thấp nhất.

Theo đó, là từ 4 - 5 giờ đối với nhồi máu não dùng thuốc tan máu đông. Trong vòng 6 giờ đối với nhồi máu não can thiệp lấy huyết khối.

Nếu bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan.

Bệnh nhân đột quỵ cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nhanh nhất, tránh lỡ thời gian vàng khiến tổn thương não nặng, hiệu quả can thiệp kém dẫn đến tai biến sau can thiệp cao.

Cần làm gì khi người thân bị đột quỵ?

Khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, cần nhanh chóng:

Gọi người trợ giúp và gọi ngay xe cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn tái thông mạch máu não.

Đột quỵ - Căn bệnh nguy hiểm và 3 'giờ vàng' thoát khỏi 'cửa tử' ai cũng cần biết - 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong khi chờ xe cấp cứu, cần phải:

Giữ thông thoáng môi trường chung quanh bệnh nhân để giúp họ thở tốt.

Đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng, bề mặt đủ độ cứng để giữ thăng bằng, không đặt lên đệm có độ lún sâu và tránh xê dịch để không làm trầm trọng tình trạng xuất huyết não.

Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, móc hết đàm nhớt ở miệng người bệnh ra nếu có.

Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường: Nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân nôn mửa, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp.

Nếu bệnh nhân còn tỉnh: Hỗ trợ bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của bệnh nhân. Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện.

Đồng thời, trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt về các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử...

Không nên làm gì?

Không tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.

Không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.

Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg và không dùng thuốc hạ huyết áp nhỏ dưới lưỡi.

Cách phòng tránh đột quỵ

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Nguyên nhân gây bệnh đột quỵ đến từ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu... Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành các bệnh lý này. Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc

Ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ

Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh

Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường

Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...

Tập thể dục hàng ngày

Tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.

Đột quỵ - Căn bệnh nguy hiểm và 3 'giờ vàng' thoát khỏi 'cửa tử' ai cũng cần biết - 3
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giữ ấm cơ thể

Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.

Không hút thuốc lá

Hút là là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một trong những cách nhận biết sớm và phòng tránh bệnh nhất là đối với những bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.

PN (Nguoiduatin.vn)