Ráy tai là một phần của cơ thể và chúng tồn tại vì có lý do. Ksenia Aaron, chuyên gia tai mũi họng tại Viện Cleveland cho biết, đây là hỗn hợp bao gồm các tế bào chết trong ống tai và chất được tiết ra từ những tuyến mồ hôi, bã nhờn.
Ráy tai có công dụng bảo vệ tai khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài. Theo chuyên gia Ksenia, chất nhờn này sở hữu tính axit nên sẽ tiêu diệt vi khuẩn và các vi sinh vật khác xâm nhập vào ống tai. Mặc dù đem lại lợi ích không nhỏ cho cơ thể, nhưng tích tụ quá nhiều ráy tai sẽ gây cảm giác khó chịu, đau tai, cản trở thính giác, chóng mặt và thậm chí dẫn tới ho. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này và cách khắc phục đến từ chuyên gia:
Nhiễm trùng tai
Những vấn đề về tai không phải lúc nào cũng do ráy tai gây nên. Yin Ren, phó giáo sư kiêm chuyên gia tai mũi họng tại Trung tâm Y tế Wexner trực thuộc Đại học Ohio giải thích, nhiều người nhầm lẫn giữa hiện tượng tích tụ ráy tai với nhiễm trùng tai do cả hai tình trạng này đều gây khó nghe và cảm giác như có vật lạ mắc kẹt bên trong.
Nhiễm trùng tai trông sẽ như thế nào? 9 hình ảnh này sẽ giúp bạn hiểu chính xác tình trạng này
Trên thực tế, bạn hiếm khi bị đau khi ra nhiều ráy tai. Trong khi đó, nhiễm trùng tai không chỉ tạo cảm giác đau, khó chịu mà còn làm xuất hiện dịch nhầy có mùi hôi. Tình trạng này cũng có xu hướng đến một cách đột ngột, khác với hiện tượng tích tụ quá nhiều ráy tai.
Nhìn chung, mọi người nên đến gặp chuyên gia y khoa hoặc bác sĩ tai mũi họng nếu không may gặp phải nhiễm trùng tai.
Kích ứng tai
Thói quen dùng tai nghe trong khi chạy bộ hoặc nói chuyện điện thoại có thể khiến cơ thể tiết ra nhiều ráy tai hơn. Chuyên gia Yin cho biết, việc làm này phá vỡ các tế bào da trong tai, từ đó dẫn đến hiện tượng tích tụ ráy tai.
Hơn nữa, đeo tai nghe thường xuyên còn gây ra vấn đề về thính giác. Chuyên gia Ksenia giải thích, nếu bạn dùng thiết bị này trong nhiều giờ, chúng sẽ ngăn ráy tai chảy ra một cách tự nhiên. Hơn nữa, lượng ráy tai thừa có thể giữ lại bụi bẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn bám trên tai nghe và gây nhiễm trùng tai.
Cách khắc phục tốt nhất là sử dụng tai nghe chụp tai, thiết bị có khả năng bao phủ toàn bộ tai. Trong trường hợp bạn không thể tạm biệt với chiếc tai nghe đang dùng, hãy hạn chế thời gian dùng, không quá 1-2 giờ mỗi ngày. Mọi người cũng nên có thói quen vệ sinh tai nghe hoặc máy trợ thính thường xuyên trước và sau mỗi lần sử dụng.
Tăm bông
Dùng tăm bông để làm sạch tai là thói quen của không ít người. Tuy nhiên, việc làm này lại có thể gây kích ứng ống tai, kích thích các tuyến trong tai tiết ra nhiều ráy tai hơn.
Chuyên gia Ksenia khuyên, mọi người nên cho một vài giọt dầu khoáng hoặc dầu em bé vào tai trước khi đi ngủ. Chúng có khả năng làm mềm ráy tai, khiến cho các chất nhầy này tự động chảy ra ngoài.
Lông tai
Lông tai có thể lý do khiến bạn ra nhiều ráy tai hơn bình thường. Theo chuyên gia Ksenia, nam giới thường sở hữu nhiều lông trong tai và chúng có khả năng cản trở quá trình bài tiết ráy tai tự nhiên.
Trên thực tế, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và bạn không nhất thiết phải tìm cách khắc phục. Chuyên gia Ksenia lưu ý, đừng bao giờ tẩy lông hoặc cạo lông tai vì việc làm này có thể gây kích ứng hoặc tổn thương tới ống tai, khu vực vốn rất nhạy cảm.
Nước clo
Bơi trong nước chứa clo có thể gây kích ứng ống tai, khiến cơ thể phải sản xuất nhiều ráy tai hơn để bảo vệ tai. Nhiều người cho rằng sử dụng nút tai là cách hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, việc làm này lại có thể gây kích ứng tai.
Thay vào đó, chuyên gia Yin khuyên, bạn nên làm khô tai sau khi bơi bằng khăn lau và máy sấy tóc. Sau khi chuyển sang chế độ thấp, bạn hãy giữ máy cách tai khoảng 15cm trong vài phút để giảm độ ẩm trong tai do nước clo gây ra.
Dùng dầu gội hoặc xà phòng
Nếu ống tai đột nhiên bị ngứa và xuất hiện nhiều ráy tai, loại dầu gội hoặc xà phòng bạn đang sử dụng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Do đó, mọi người nên tìm những sản phẩm phù hợp nhất với bản thân, không gây kích ứng. Chuyên gia Yin khuyên, hãy lựa chọn các loại ít hóa chất, sở hữu hương thơm tự nhiên và an toàn cho da.
Theo Nhung Mai (Trí Thức Trẻ)