Tài chính trong nhà Quỳnh được sắp xếp như sau: tiền ai người đó tự tiêu, các chi chí chung thì đóng góp 50 - 50 công bằng. Mặc dù Quỳnh không đòi hỏi chồng phải đưa lương cho mình giữ, nhưng vẫn thấy hơi ấm ức với cách chia đều chi phí kiểu ấy.
Bởi rõ ràng, việc nhà cô làm là chủ yếu. Sau này sinh con, chăm con mọn cũng phần lớn do cô. Cô không có ý kể công, mà những phần việc ấy sẽ ảnh hưởng tới thời gian Quỳnh dành cho công việc, từ ấy trực tiếp ảnh hưởng tới thu nhập của cô. Trung - chồng cô, rảnh rang hơn nhiều, thu nhập của anh cao hơn. Do đó, xét từ tình hình thực tế, thì việc phân chia đó là không hợp lí. Nhưng Trung một mực vin vào cái cớ: xã hội hiện đại, đàn ông cũng như đàn bà, đều kiếm tiền ngang ngau, bình đẳng với nhau, chẳng có lí nào đàn ông lại phải đóng góp nhiều hơn. Không thống nhất được, Quỳnh cũng đành chịu.
Sau đám cưới, các ngày lễ tết bị Trung liệt hết vào ngày bình thường, thậm chí sinh nhật Quỳnh anh chẳng có quà, chỉ độc một lời chúc suông. Quỳnh tủi thân kêu ca thì anh bảo: "Vợ chồng rồi mà còn làm như bọn con nít yêu đương vậy. Mà nghe nói phụ nữ bọn em bảo nhau, tự tặng quà cho mình vui hơn là chờ đợi quà từ đàn ông còn gì". Trung nói thế thì Quỳnh đúng thật chả biết đáp thế nào.
Tối cuối tuần, Quỳnh muốn mua ít đồ dùng sinh hoạt trong nhà nên rủ Trung đi siêu thị cùng. Tiền thì đóng góp đồng đều nhưng người mua sắm thì luôn là Quỳnh. Hiếm khi cô nhờ được anh mua giùm món gì trên đường đi làm về. Chuyện đi siêu thị cùng không thường xuyên cho lắm, chắc hôm nay anh cũng muốn mua ít đồ. Buồn cười là 2 vợ chồng hẳn hoi, đi siêu thị mà mỗi người 1 giỏ đồ và tính tiền riêng. Chắc chẳng ai như nhà cô đâu nhỉ.
Lúc mua xong đồ dùng, Quỳnh tìm thấy Trung ở khu vực quần áo. Cô không định mua, song ngắm thấy bộ đồ mặc nhà rất đẹp, liền nổi hứng muốn tậu. Nhìn Trung đang chọn quần áo, cô chợt cười bảo chồng: "Anh mua tặng em bộ đồ này đi, em thích lắm".
Trung ngẩng lên nhìn Quỳnh, chẳng hề liếc đến bộ quần áo trên tay vợ, rồi lại cúi xuống tiếp tục ngắm đồ của mình, bơ hẳn đi không trả lời câu nói của Quỳnh. Thấy thế, Quỳnh cầm hẳn tới trước mặt Trung, níu tay chồng, cười tít: "Nhé, anh mua cho em bộ này nhé!".
Ngờ đâu Trung cau mày: "Em có phải người tàn tật đâu mà cần người khác mua cho". Nụ cười trên môi Quỳnh tắt lịm ngay lập tức. Cô vội vàng quay đi, cúi đầu giả vờ lựa quần áo, nhưng thực chất là để giấu không cho ai nhìn thấy mình đang khóc. Rồi như không kìm nén được nữa, cô cầm đại 1 bộ, chạy vào phòng thay đồ, ôm mặt bật khóc nức nở. Đó là câu mà người đàn ông đầu gối tay ấp có thể nói với vợ mình sao? Chỉ một bộ quần áo chưa tới 300 nghìn, dù không mua thì Trung cũng nỡ lòng nào thốt lên lời nói cay độc nhường ấy?
Nhớ lại quãng thời gian chung sống gần 1 năm qua, Quỳnh nhận thấy, Trung chưa bao giờ chịu thiệt hay cho vợ được một nghìn nào. Cái gì cũng rạch ròi và công bằng tới mức đáng sợ. Nhiều lúc Quỳnh nghĩ như thế cũng không hẳn là xấu, rõ ràng cô vẫn sướng hơn những người vợ mà chồng thậm chí còn chẳng mang được đồng nào về ấy chứ.
Nhưng lúc này cô nhận ra, cô chẳng sướng hơn chút nào. Mấy người chồng đó, có thể nhiều lúc họ để vợ cáng đáng hết, song có tiền thì họ sẽ lại chẳng tiếc vợ chút nào đâu. Đâu như Trung, sòng phẳng tới mức chẳng còn sót lại chút tình cảm mảy may gọi là có. Đừng nói tiền nong không quan trọng, một người đàn ông tiêu tiền vì bạn chưa chắc đã yêu bạn, nhưng kẻ không tiêu vì bạn xu nào thì đích thị anh ta chẳng có chút yêu thương nào với bạn đâu.
Quỳnh tự hỏi, không biết Trung lấy vợ để làm gì? Để có người thỏa mãn nhu cầu chăn gối, và góp gạo thổi cơm chung ư? Cuộc sống lúc nào cũng là sự tính toán thiệt hơn tới ghê sợ. Vợ mình, người phụ nữ của mình mà chỉ vì một bộ quần áo cũng có thể mở miệng thốt ra được câu nói kiểu đó, thật chẳng hiểu trong đầu Trung đang nghĩ gì, và coi Quỳnh là thế nào.
Còn cô nữa, cô sống với người chồng như thế, có ngày nào cô được hạnh phúc? Cô có thể chịu đựng cảnh ấy tới hết đời không? Hôn nhân như thế còn gì ý nghĩa và vui vẻ? Chắc chắn là không.
Quỳnh gạt nước mắt, nhìn gương cố gắng mỉm cười. Cũng may cô chưa sinh con với Trung. Cô xứng đáng có cho mình một người đàn ông thật lòng thương cô, muốn cùng cô xây dựng tổ ấm nhỏ. Còn dây dưa hôn nhân thêm với người như Trung, hoàn toàn là lãng phí thời gian quý báu của mình thôi.
Theo Giang Phạm (Helino)