Đột ngột nôn ra máu tươi, người đàn ông phải cấp cứu, thở máy ngay trong Tết

26/01/2023 11:15:32

Người đàn ông 60 tuổi phải đi cấp cứu đêm mùng 3 Tết vì đột ngột nôn ra nhiều máu, lơ mơ, chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Đến mùng 5, ông vẫn phải thở máy, điều trị tích cực.

Bệnh nhân hiện điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ). 

Người đàn ông có tiền sử nghiện rượu lâu năm, phát hiện xơ gan cách đây 6 tháng, đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp. Các bác sĩ cho biết, từ 14h mùng 3, bệnh nhân xuất hiện nôn ra máu, đi ngoài ra máu. Tuy nhiên, phải 7 tiếng sau đó, khi đã rơi vào tình trạng lơ mơ, ông mới được đến viện cấp cứu. Thầy thuốc chẩn đoán ông bị xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.

Đột ngột nôn ra máu tươi, người đàn ông phải cấp cứu, thở máy ngay trong Tết
Nội soi dạ dày gây mê cấp cứu, cầm máu kịp thời cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân nhanh chóng được bác sĩ Trung tâm Tiêu hóa - Hô hấp thực hiện nội soi dạ dày gây mê cấp cứu, cầm máu kịp thời. Đến ngày 26/1 (mùng 5 Tết), dù đã qua cơn nguy kịch nhưng bệnh nhân cần điều trị, theo dõi chặt chẽ. 

Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản hoặc tĩnh mạch phình vị là tình trạng chảy máu xảy ra đột ngột do vỡ các búi tĩnh mạch bị giãn hiện diện ở thực quản hoặc vùng đáy dạ dày. Nguyên nhân gây giãn các tĩnh mạch này là do tăng áp lực tĩnh mạch cửa thường xảy ra khi người bệnh bị xơ gan.

Bệnh lý này chiếm khoảng 70% xuất huyết tiêu hóa trên bệnh nhân xơ gan, tỷ lệ tái phát cao (80% trong 1 năm) nếu không dự phòng. Đây là tình trạng cấp cứu nặng, cần phải nhập viện ngay nếu không có thể gây tử vong tại nhà.

Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản

Nam bệnh nhân 60 tuổi trên đây có đầy đủ những dấu hiệu triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm này. Cụ thể, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản thường nôn ra máu đỏ tươi đột ngột; đi tiêu phân đen hoặc có khi tiêu phân máu đỏ bầm nếu chảy máu lượng nhiều.

Do thiếu máu cấp, bệnh nhân có da nhợt nhạt, ngất xỉu hoặc chóng mặt, kết hợp dấu hiệu của bệnh xơ gan như vàng da, cổ trướng, phù chân…

ThS.BS Nguyễn Hà Thường, Trưởng khoa Nội soi - Thăm dò chức năng, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho hay chảy máu tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản là biến chứng đặc biệt nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân, thường gặp ở các bệnh nhân xơ gan, ung thư gan trên nền xơ gan, suy tế bào gan, rối loạn nghiêm trọng chức năng đông máu.

Dù hiện nay đã có sự phát triển rất tốt của nội soi cũng như các phương pháp điều trị khác, tuy nhiên tỷ lệ tử vong của chảy máu tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản vẫn khá cao (khoảng 20% trong vòng 6 tuần đầu), hay tái phát và một số trường hợp vẫn rất khó kiểm soát.

Bác sĩ Thường cũng khuyến cáo, bệnh nhân xơ gan, u gan cần điều trị tích cực, liên tục và tuyệt đối không uống rượu, bia. Ngoài việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe nên thực hiện nội soi tiêu hóa định kỳ để phát hiện sớm các búi giãn tĩnh mạch thực quản. Người bệnh khi có dấu hiệu nôn, đi ngoài ra máu đỏ tươi cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Liên quan những triệu chứng đường tiêu hóa, sau những ngày Tết ăn uống thoải mái, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương lưu ý, bụng ậm ạch, ăn không ngon, khó tiêu, đau quặn bụng, đau bụng âm ỉ, ợ chua, trào ngược, đi ngoài ra máu… có thể là hậu quả của những ngày tết hệ tiêu hóa phải làm việc quá tải.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là những dấu hiệu cảnh báo sớm của những bệnh lý nguy hiểm như viêm loét dạ dày, đại tràng, có polyp thậm chí là ung thư đường tiêu hóa.

Theo Võ Thu (VietNamNet)